Phòng bếp là nơi tạo không gian ấm cúng cho ngôi nhà của bạn, vì thế nếu được bài trí một cách khéo léo và gọn gàng thì căn bếp của bạn trở nên sống động và “ngon mắt” hơn nhiều. Cùng tham khảo những cách bài trí không gian bếp thêm đẹp dưới đây.
Những cách bài trí không gian bếp thêm sạch đẹp.
1. Chọn gam màu phù hợp
Tùy từng sở thích cũng như phong cách bài trí không gian bếp của gia chủ mà chọn gam màu phù hợp. Một cách bài trí pha trộn giữa các màu trung lập như xám, trắng kem, trắng ngà tạo cảm giác thanh bình, thư thái mỗi khi đặt chân vào bếp.
Về cơ bản, sơn phòng bếp không bắt buộc xem màu theo mệnh. Tuy nhiên, nếu xét theo quy luật tương sinh tương khắc, Mộc sinh Hỏa nên sử dụng gam màu xanh cốm, xanh lá cây (mạng Mộc) trong bếp sẽ không có gì đáng lo ngại. Riêng hai màu xanh nước biển và xanh tím (mạng Thủy) thì nên tránh vì Hỏa khắc Thủy.
Cũng cần phải xem xét đến các yếu tố như màu sắc của tủ bếp, quầy bếp, sàn bếp, kích thước và độ sáng của căn phòng khi chọn màu sơn. Nếu tủ, quầy và sàn bếp được làm từ những chất liệu tự nhiên như gỗ hoặc đá, thì những tông màu đất như màu xanh lá nhạt, xanh biển ngả xám sẽ là những lựa chọn phù hợp. Nếu phần quầy và tủ bếp có màu sáng, hãy tìm kiếm màu sơn tường hoặc màu giấy dán tường hài hòa với những vật dụng này. Không nên chọn những màu quá tối hoặc quá nhạt cho phòng bếp có kích thước nhỏ. Đối với những phòng bếp rộng, màu sậm sẽ phù hợp hơn.
2. Tạo sức sống với việc trang trí hoa tươi, quả và cây xanh
Hoa quả không những tốt cho sức khỏe con người mà nó còn có tác dụng làm đồ trang trí. Hoa quả đa sắc màu làm cho không gian bếp trở nên nổi bật hơn.
Bạn có thể đặt trong bếp bình hoa thật hoặc có thể là hoa giả cũng làm tăng thêm giá trị thẩm mĩ cho gian bếp. Những loại quả tươi còn kích thích những thành viên trong gia đình muốn thưởng thức đồ ăn tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bố trí thêm cây xanh trong phòng bếp, giúp tạo cảm giác thư thái, gần gũi thiên nhiên, mà không ảnh hưởng gì tới phong thủy phòng bếp. Bạn cần lưu ý lựa chọn những loại cây phù hợp với điều kiện môi trường sống trong bếp. Nên chọn những loại cây nhỏ gọn, có tác dụng khử mùi như cây dương xỉ, cây ngũ gia bì...
3. Tận dụng ánh sáng
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với việc trang trí không gian phòng bếp. Ánh sáng không chỉ đảm bảo độ thẩm mỹ mà còn tạo môi trường nấu nướng. Tạo được cảm giác tươi mới vào ban ngày, ấm cúng vào buổi tối là điều mà các nhà thiết kế nội thất hướng tới.
Có hai loại ánh sáng chính đó là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Tận dụng ánh sáng tự nhiên là một trong những tiêu chí không thể thiếu. Tận dụng ánh sáng tự nhiên vào thời điểm ban ngày hợp lý giúp bạn tiết kiệm nguồn năng lượng, bảo vệ trái đất mà vẫn đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, cũng phải biết kết hợp hài hòa với ánh sáng nhân tạo khi tối.
4. Sắp xếp bài trí vật dụng gọn gàng và khoa học
Sắp xếp nồi niêu xoong chảo là một vấn đề khó khăn vì chúng có rất nhiều kích cỡ và kiểu dáng tùy theo công dụng. Nếu bạn không khéo léo, mọi thứ sẽ trở nên lộn xộn và rất khó tìm kiếm mỗi khi cần.
Chúng ta nên sắp xếp ngăn nắp các đồ đạc nấu nướng như xoong, nồi, chảo... làm sao cho tiện dụng mỗi khi đun nấu. Như vậy người nội trợ không cảm thấy mệt mỏi khi nấu nướng bởi đồ đạc cần dùng được sắp xếp rất thông minh, đặt ở những vị trí thuận lợi nhất. Hệ thống tủ treo nhiều ngăn bổ sung không gian trống nhưng không gây bất tiện bởi những ngăn cao chỉ để trưng bày vật trang trí hoặc đồ ít sử dụng, những vật phẩm cần thường xuyên được đặt trong ngăn vừa tầm tay.
5. Lựa chọn đồ dùng kích thước nhỏ, vừa phải và đa chức năng
Sử dụng đồ nội thất đa năng là giải pháp phù hợp nhất cho những phòng bếp. Nó sẽ rất tiện dụng và hỗ trợ đắc lực cho người nấu nướng. Ngoài ra, nó cũng có thể giảm tải sự cồng kềnh của nhiều vật dụng trong phòng bếp.
Với cách bài trí và sắp xếp không gian bếp như vậy, chắc hẳn gia đình bạn sẽ có những bữa cơm ấm cũng và đem lại cảm giác thoải mái cho mỗi thành viên sau những giờ làm việc mệt mỏi.