Mặc dù chục năm trở lại đây, bất động sản nước ta có những bước tăng trưởng nhảy vọt nhưng thực tế nhiều gia đình vẫn phải sống chật chội ở những ngôi nhà bé hơn 10m2. Suốt nhiều năm qua, KTS Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự đã tìm tòi những cách khác nhau để giải quyết khủng hoảng nhà ở Việt Nam bằng cách dựng nên những ngôi nhà sử dụng vật liệu địa phương rẻ, bền, đẹp.
Nhà tre Đồng Nai Chia sẻ với tạp chí Dezeen, Võ Trọng Nghĩa cho biết: "Dự án này bắt đầu như là công việc tình nguyện, đáp ứng các vấn đề về nhà ở cho tầng lớp thu nhập thấp ở Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi vấn đề nhà ở cho người nghèo đang rất nghiêm trọng". Hơn nữa: "Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long có mức thu nhập trung bình dưới 1.8 triệu mỗi tháng và chủ yếu sống trong những căn nhà tạm rẻ. Trớ trêu thay, kết cấu kém dẫn đến chi phí sửa chữa cao. Do đó, nhà ở lâu bền với chi phí thấp luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân nơi đây".
Các KTS đã nghĩ ý tưởng về một ngôi nhà có khung thép rỗng, và sau đó thành hình với những bức tường bằng tre và tấm lợp lấy sáng (tấm polycarbonate): "Nếu chúng tôi dựng nên những ngôi nhà bằng bê tông và gạch - rất phổ biến ở Đông Nam Á, thì rất nguy hiểm vì nền đất rất yếu. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sử dụng những vật liệu nhẹ với chi phí thấp".
Các ngôi nhà sẽ có phòng tắm và nhà bếp đặt bên ngoài. Không gian chính sẽ chỉ có một phòng duy nhất làm nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ và ăn uống. Các phòng chức năng được chia tách bằng cách nâng độ cao nền nhà khác nhau hoặc che chắn bằng rèm. Ngoài ra những ngôi nhà có thể dễ dàng mở rộng thêm với chi phí cực rẻ nếu có thêm nhiều thành viên.
Để giảm chi phí xây dựng, người dân sẽ tận dụng tối đa những nguyên liệu và đồ đạc sẵn có. Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí sinh hoạt hàng ngày, ngôi nhà sẽ được trang bị hệ thống thông gió tự nhiên và bồn chứa nước mưa.
Bức tường lợp tre và nhựa trong giúp hấp thu nhiều ánh sáng chan hòa mà vẫn mát mẻ làm giảm đáng kể mức tiêu thụ điện. Ngoài ra còn có một khoảng cách giữa mái nhà và tường giúp thoát khí nóng của miền Nam.Do vậy toàn bộ không gian được thông gió tự nhiên nên không cần máy điều hòa. Những mái nhà có gờ để thu nước mưa chuyển vào bể lọc dùng cho mùa khô.
Nhà lợp dừa ở Long An
Ngôi nhà giá rẻ thứ hai của Võ Trọng Nghĩa ở Long An được đặt tên là S House. Với mục tiêu dựng nên ngôi nhà tốt nhất với chi phí rẻ nhất (ít hơn 50 triệu đồng), sau hai năm, đội ngũ KTS đã thay thế vật liệu tre bằng những tấm bê-tông đúc sẵn lâu bền hơn.
Mái nhà hai lớp gồm những tấm bê tông đúc và dừa lá giúp đảm bảo không bị thấm dột kể cả trong mùa mưa
Dừa nước không hề xa lạ với người dân đồng bằng sông Cửu Long nay bảo vệ con người khỏi thiên tai, mưa bão
Dự án cũng như ngôi nhà từng được lên chương trình tài liệu 6 phần: Rebel Architecture về những thiết kế nhà ở giúp giải quyết những vấn đề khủng hoảng đô thị, môi trường và xã hội.
Nhà chắc chắn ở TP.HCM
Ngôi nhà thứ ba trong dự án của Võ Trọng Nghĩa tại TP.HCM đã kết hợp được ưu điểm nhẹ của căn thứ nhất và tính bền của bê-tông của ngôi nhà thứ hai. Những bức tường lưới thép nhẹ được sử dụng với tổng trọng lượng chỉ là 1.200kg.
Nhóm thiết kế tin rằng ngôi nhà sẽ chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của vùng đất phía Tây Nam: "Mặc dù có nhiều thách thức như nền đất yếu, bão thường xuyên và động đất thi thoảng xảy ra, kết cấu của ngôi nhà cũng vẫn đủ vững chãi".