Gia chủ làm cho ngôi nhà có “hồn vía” trong từng không gian, từng góc kiến trúc và trang trí nội thất ngay từ khi xây dựng thì ngôi nhà đã có “hồn vía” như là ngôi nhà đã có từ lâu lắm rồi.
Tôi đến nhà Phạm Hoàng Nam vào lúc trời đang chuyển mưa, cái cảm giác ấm áp hiện diện rõ rệt hơn khi ngoài trời đang giông bão. Trong lúc Nam đi đóng hết tất cả các cửa kính, thì vợ lúi húi với bữa cơm chiều, và nướng chiếc bánh gato phết kem mà chỉ ngửi thôi cũng đã thèm thuồng. Bữa cơm chỉ có cá rán và canh rau muống nấu với sườn và khoai sọ, thêm một món rau quả trộn dầu dấm đầy màu sắc... Hơi ấm từ căn bếp lúc nào cũng bận rộn, từ Nga, linh hồn của ngôi nhà, và từ ông chủ trẻ cứ quấn lấy vợ như thể sợ ai lấy mất... càng làm cho buổi trò chuyện trở nên hứng thú hơn bao giờ hết...
Đến một lúc nào đó, khi hồi tưởng lại lần xây nhà đầu tiên của hai vợ chồng, anh sẽ nhớ nhất điều gì?
Hiện tại chúng tôi đang mãn nguyện sống trong cái tổ của mình nên không nghĩ đến lúc hồi tưởng hay nhớ nhung, mà cũng chẳng mong hồi tưởng vì cảm giác nó có vẻ là quá khứ, trong khi chúng tôi cứ mong sao cho thì hiện tại nó dài ra mãi... Căn nhà không chỉ là “tổ ấm” theo nghĩa đơn thuần mà nó chứa đựng mọi truyền thống từ quá khứ và ước mơ về tương lai của gia đình, nhưng quan trọng nhất là niềm vui trong hiện tại.
Sau một năm, khi ngôi nhà đã có hồn, có vía, anh thấy tình yêu của mình dành cho vợ và các con có sâu đậm hơn không?
Và tình cảm của những thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó hơn trong không gian đó, nhưng khó có thể nói là sâu đậm hơn hay không vì tự nó luôn đã quá sâu đậm sẵn rồi. Ngôi nhà đã được thiết kế với những góc thân thuộc và được trang trí bằng những đồ vật cũ đã luôn đi theo chúng tôi mọi nơi nên thực chất nó chỉ là cái khung mới cho một nội dung cũ.
Tinh thần nhiệt đới của kiến trúc hài hoà như thế nào với tính cách của chủ nhân, để tạo nên sự thoải mái, dễ chịu và thân thiện cho bất cứ ai bước chân vào ngôi nhà?
Ngôi nhà gần sông nên không khí và gió rất tốt, vì vậy các cửa phải nhiều và rộng để đón gió và thoáng khí trời, tránh tối đa dùng máy lạnh. Các không gian mở và thông nhau mà vẫn có cảm giác riêng để cả chủ lẫn khách đều thấy thoải mái mà không xa cách. Các thành viên trong gia đình có thể sinh hoạt những việc khác nhau nhưng vẫn có thể thấy nhau và giao lưu ngay khi cần thiết.
Tôi sợ cái cảm giác các thành viên về nhà mọi người đóng cửa lại và cách biệt với nhau như kiểu kiến trúc châu Âu khép kín. Người Việt cởi mở và thân thiện hơn nên ngôi nhà cũng trong tinh thần đó, không gian mở tối đa, gần như không có tường, để tận dụng khí trời, và điều hoà bằng cây cỏ, bằng nước. Tôi chủ trương đầu tư nhiều vào chất lượng sống, không phải giá trị đồ vật, như gạch Đồng Tâm, đá Đà Nẵng, gỗ muồng đen, ngoài trời là chò chỉ, đá ong... toàn loại rẻ tiền. Chất lượng sống chính là không khí và vệ sinh, nên phần bếp, nhà tắm là đầu tư nhiều tiền nhất. Khách bước vào nhà ngay lập tức cảm giác thân thuộc gần gũi như ở nhà mình. Đấy là lý do chúng tôi chọn phong cách kiến trúc nhiệt đới hơi hướng Bali, là nơi du lịch mà cả nhà tôi yêu thích nhất.
Điều gì quyến rũ anh nhất, “để giữ chân mình không phải ra khỏi nhà” như lời anh tâm sự?
Ngôi nhà nói chung là một yếu tố quan trọng, nhưng cơ bản nhất vẫn là tư duy và quan niệm sống. Làm nhà đẹp đến đâu mà không phục vụ cho những người sống trong đó mà chỉ để khoe, hoặc để những thành viên không cảm giác gắn bó với nhau trong không gian đó thì nhà đẹp thế nào cũng vô nghĩa. Ngôi nhà đẹp là ngôi nhà có tình yêu.
Anh thường ngồi làm việc ở đâu? Không gian nào khiến anh có thể tư duy một cách độc lập nhất? Anh có thể tiết lộ một chút về “rạp chiếu phim” vô cùng tiện nghi và ấm áp ngay trong nhà mình?
Công việc tôi làm ở công ty và về nhà thường để nghỉ ngơi với gia đình và bạn bè nên không thiết kế chỗ làm việc nào cố định tại nhà. Còn nếu có việc đột xuất hoặc có những ý tưởng ngẫu hứng thì ngồi bất cứ đâu cũng có thể làm việc được, kể cả dưới hồ bơi, trong bếp hay ngoài sân vườn. Rạp chiếu phim là một trong những chỗ gây cảm hứng như thế, đó là một “home theater” tiêu chuẩn HD cho hình ảnh và chuẩn 7.1 cho âm thanh.
Nhà anh xa, phải qua một cái cầu lúc nào cũng đông nghẹt, vậy tại sao nơi đây vẫn là chốn hò hẹn của bạn bè văn chương nghệ thuật? Anh nghĩ gì về nhà và bạn? Anh có muốn ngôi nhà mình trở thành một salon nghệ thuật, cái không khí đã từng nuôi dưỡng bao tâm hồn trẻ thơ...?
Tôi nghĩ cái gì cũng phải tự nhiên, không phải cứ muốn mà có ngay được. Tôi cũng chẳng hiểu salon nghệ thuật chính xác là gì nhưng nghệ thuật sống và tình cảm gia đình, bạn bè thì là một thứ nghệ thuật thực sự và thiết thực mà ta phải học cách gìn giữ và phát triển cả cuộc đời. Trẻ thơ trưởng thành từ “nghệ thuật” đó.
Một quay phim, đạo diễn luôn đắm say với “trò chơi của ánh sáng”, anh đầu tư như thế nào cho phần ánh sáng của ngôi nhà?
Ánh sáng trong thiên nhiên tự nó đã đẹp mỗi ngày, kể cả ngày nắng hay mưa, giông bão hay bình yên. Chúng tôi chỉ thiết kế sao cho ngôi nhà có thể đón được những lúc ánh sáng, thời tiết đẹp nhất và tự bảo vệ những khi bão tố nhất, cũng như bản thân con người vậy.
Cuộc sống và ánh sáng đều có chu kỳ nhưng làm sao để thưởng thức nó một cách mới mẻ và không nhàm chán, điều đó phụ thuộc vào tâm thức của mỗi người. Cứ mở mắt và hồn ra đón nhận ánh sáng, bạn sẽ thấy thiên đường và niềm vui cuộc sống ngay bây giờ, trong thời điểm hiện tại chứ chẳng cần chờ đến tương lai hoặc chỉ ngồi đó rồi ước mơ.
Điều gì đã giúp anh gìn giữ được tình yêu? Anh có quá “khắt khe” với vợ không khi cứ muốn về nhà ăn cơm ngày... ba buổi?
Nói một cách giản dị nhất thì bí quyết sống là làm mọi thứ hợp lý một cách tự nhiên. Anh ra đường thì để làm việc, để đi chơi, ở nhà thì ăn, ngủ và sinh hoạt gia đình. Mọi thứ chỉ trở nên lộn xộn khi người ta cứ cố tình đảo lộn những trật tự đó, chức năng đó và thanh minh cho nó bằng những lý do nọ kia.
Vai trò của phụ nữ hay đàn ông cũng vậy: phụ nữ vốn tần tảo, khéo léo và tỉ mỉ nên cái bếp với họ rất quan trọng. Thú ăn uống gia đình từ đó cũng được duy trì. Nếu chỉ hiểu ăn chỉ là nạp thức ăn vào người thì thật thiếu, bữa ăn gia đình có nhiều chức năng quan trọng hơn thế, tuy nhiên người ta đã làm mất dần thói quan đó và chuyển bữa ăn ra quán nhiều vì những lý do khác nhau, điều này làm bữa ăn gia đình mất đi tác dụng, hoặc bữa ăn mà thiếu vài thành viên hoặc ăn những giờ khác nhà thì dù có ăn ở nhà cũng chẳng ngon lành gì. Đàn ông thì cần bao quát và làm những việc nặng hơn, những việc kỹ thuật sửa chữa, vườn tược… Nói tóm lại đàn ông như nóc mà phụ nữ như nền. Nghĩ vậy thì tôi có “khắt khe” không nhỉ?
Để nước có thể trở thành một “nhân vật” trong nhà, điều đó có liên quan gì tới phong thuỷ, hay chỉ thuần tuý là để đẹp và làm mát?
Riêng với nhà tôi thì vì nhiều người mệnh thuỷ, lại sống ở xứ nhiệt đới nên nước đóng vai trò tối quan trọng. Vì vậy khi thiết kế nhà chúng tôi luôn tính trước xem nước đặt ở đâu và dưới những hình thức gì. Khi bạn làm đúng sẽ thấy hết sức dễ chịu, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì cũng rất dễ bị lỗi, cái này ngoài đọc sách cần tham khảo những người có chuyên môn và kinh nghiệm.
Làm thế nào để con cái có thể đồng thuận với cha mẹ trong việc tạo dựng không gian sống của gia đình, mà vẫn giữ được sự riêng tư?
Thời gian không bao giờ dừng lại và mọi tư duy cũng phải thay đổi cho phù hợp, nhưng những gì thuộc về chân lý thì muôn đời vẫn vậy. Nền tảng gia đình như chân lý và sự riêng tư là những phương pháp tư duy. Hiểu vậy thì sẽ biết hoà hợp. Con cái tôi rồi lúc nào đó cũng sẽ trở thành cha mẹ như quy luật, vậy thì cái vòng luân hồi đó có gì khác đâu.
Vừa làm việc với cường độ cao mà vẫn có thời gian đưa đón con đi học, cùng vợ làm việc nhà khi không có người làm? Nếu cần có một lời khuyên với những gã đàn ông tối ngày ở ngoài đường, anh sẽ nói gì?
Thật khó là ai có thể khuyên ai điều gì vì mỗi người tư duy khác nhau, số phận khác nhau. Chỉ biết rằng cuộc sống hôm nay là quà tặng, nên đón nhận và hưởng thụ nó thế nào là ở tự mỗi người. Vẫn cuộc sống đó mà người hạnh phúc, kẻ khổ đau thì đúng là do cách nghĩ và hành xử thôi, đâu có bí quyết gì đặc biệt. Cứ để mọi chuyện tự nhiên thôi.