Sẽ không quá lời nếu nói đinh lăng chính là “sâm của người nghèo" vì chúng vừa tốt vừa dễ trồng, dễ tìm. Nếu như phần củ, rễ có thể làm thuốc thì lá đinh lăng được dùng như một loại rau gia vị để ăn kèm các món nem chua, gỏi,… Ngoài ra, lá đinh lăng cũng được dùng để chữa chứng nhức đầu,…
Vị trí tốt nhất để trồng cây đinh lăng
Với dáng thanh mảnh, lá xanh bóng đẹp mắt và mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ, cây đinh lăng giúp không gian sống của gia đình bạn lúc nào cũng thoáng mát, dễ chịu và mang đến sự thoải mái cho gia chủ. Vì thế, người ta thường trồng đinh lăng ở những vị trí như phía trước sân hoặc trước cửa nhà.
Trong phong thuỷ, đinh lăng cũng là cây cảnh có khả năng ngăn ngừa điều xấu vào cửa, giữ lại nguồn năng lượng tốt và giúp gia chủ tích luỹ tiền của, không lo bị tiêu tán. Thậm chí nhiều người còn ưu ái gọi đinh lăng là “thần giữ của" của gia đình.
Bên cạnh đó, khi trồng đinh lăng ở phía trước nhà, bạn cần trồng chếch sang một bên và không nên đặt chậu cây chắn ngay mặt tiền, lối đi lại của ngôi nhà vì đây là vị trí thu hút tiền tài, vượng khí. Nếu trồng cây đinh lăng chắn giữa, chúng sẽ khiến nơi đây không có sự thông thoáng, dễ chặn cho tiền bạc vào cửa.
Ngoài ra, bạn không nên trồng cây đinh lăng dựa sát vào tường mà cần ưu tiên những vị trí hướng nắng vì đây là loại cây ưa nắng. Nếu đặt trong nhà, bạn nên để chúng ở những vị trí thoáng khí như hiên nhà, ban công hoặc sân thượng… để cây đinh lăng vừa tô điểm không gian ống vừa giúp chúng phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong trường hợp muốn trồng chậu đinh lăng ở phòng khách, bạn nên đặt chúng ở cạnh cửa sổ để cây có thể nhận nhiều ánh sáng. Còn nếu muốn đặt ở phòng ngủ, bạn chỉ nên chọn loại cây đinh lăng có kích cỡ nhỏ, gọn và đặt gần cửa sổ. Trước khi ngủ, nên đặt chúng ra bên ngoài hoặc mở cửa sổ vì khi đêm về, đinh lăng sẽ hấp thụ khí oxy, thải ra khí cacbonic và khiến người trong phòng bị mệt mỏi, ngột ngạt, ngủ không ngon,…
Lưu ý khi trồng cây đinh lăng
- Vì đinh lăng là một trong những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc lại ít sâu bệnh, chịu hạn tốt… nên bạn không cần phải tưới nước hay sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên.
- Nếu cây đinh lăng bị đọng nước, bạn phải tìm cách thoát nước cho cây.
- Để giúp đinh lăng phát triển tốt và không bị sâu bệnh, bạn cần chú ý phòng các loại như rầy, sâu xám, sâu ăn lá, rệp sáp, nấm bệnh… trong giai đoạn đầu. Nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn.
- Kể từ năm thứ 2 trở đi, cây đinh lăng sẽ dễ bị chuột cắn phần rễ nên cần sử dụng các biện pháp diệt chuột thường xuyên. Ngoài ra, bạn cũng nên tỉa bớt lá, cành hai lần mỗi năm vào khoảng tháng 4 và tháng 9.
- Từ 3 tuổi trở lên, bạn có thể thu hoạch đinh lăng và thời gian là khoảng tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Sau khi thu hoạch, bạn có thể chọn những phần thân tốt để làm giống và mang các bộ phận rễ, lá, thân… khác đi bán tươi hoặc chế biến.
*Thông tin phong thủy mang tính chất tham khảo