NHÀ » Phong thủy

Dọn nhà cuối năm: Những điều đặc biệt cần lưu ý kẻo quét sạch lộc ra khỏi nhà

Thứ năm, 28/01/2021 18:15

Trên phương diện phong thủy, việc dọn dẹp nhà cửa vào dịp cuối năm là điều không thể bỏ qua. Bởi quá trình thanh tẩy bụi bặm không chỉ đem lại cảm giác tươi mới cho không gian sống mà còn mang ý nghĩa tương tự như mở ra một cánh cửa để đón vận may vào nhà, giúp tài vận hanh thông, gia tăng vận khí.

Dọn nhà cuối năm là việc mà các gia đình không thể bỏ qua mỗi khi năm hết Tết đến. Tuy nhiên, việc dọn nhà sao cho đúng, không phạm phong thủy là điều không phải ai cũng biết. Theo quan điểm của các chuyên gia phong thủy phương Đông, việc dọn dẹp nhà cửa trước thềm năm mới cũng có những kiêng kỵ cần đặc biệt lưu ý dưới đây.

Chọn ngày dọn nhà

Theo quan niệm của cổ nhân Trung Hoa, ngày 24 tháng chạp âm lịch hàng năm được chọn là ngày "tảo trần", thích hợp để tiến hành quét dọn nhà cửa. Tuy nhiên một số chuyên gia phong thủy phương Đông lại cho rằng, ngày thích hợp nhất để dọn nhà trước Tết là 28 tháng chạp.

Thực tế, cuộc sống của hầu hết người hiện đại thường vô cùng bận rộn, đặc biệt là vào mỗi dịp năm hết Tết đến. Do đó nếu không thể tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa vào hai ngày đẹp nói trên, các gia chủ chỉ cần cố gắng dọn dẹp tươm tất mọi thứ vào trước giao thừa là được.

Thứ tự lau dọn nhà

Đối với những người cảm thấy năm vừa qua không quá thuận lợi, thứ tự lau dọn nhà cửa tốt nhất nên được tiến hành từ vị trí sâu nhất của nhà và dọn dần ra đến cửa. Xét trên phương diện phong thủy, cách lau dọn này được xem là có thể giúp gia chủ đuổi vận xui ra khỏi cửa.

Ngược lại, nếu bạn cảm thấy năm vừa rồi trôi qua một cách như ý, bạn nên tiến hành quét dọn theo thứ tự từ cửa vào trong nhà. Quy trình dọn dẹp này tượng trưng cho việc tích trữ may mắn, giúp năm mới có thể thành công gấp năm gấp mười năm cũ.

Dọn dẹp phòng khách

Phòng khách được xem là bộ mặt của ngôi nhà, nơi các thanh viên gia đình quây quần, nơi tiếp đón bạn bè và các vị khách quý trong ngày đầu năm. Do đó, các gia đình luôn cố gắng dọn dẹp sạch sẽ, trang trí cho phòng khách thật ấm cúng, vui tươi.

Ở những vị trí như sảnh vào cửa chính, bậc thềm, bậu cửa sổ... (nói chung là những nơi đón, tiễn khách) nên dùng đồ mới để trang trí, đặt những chậu cây cảnh đẹp, hợp phong thủy, hoặc treo tranh, câu đối, đèn lồng dể tăng phần sinh động, tạo không khí lễ Tết.

Gia chủ có thể dùng thêm đèn pha, đặt thác nước chảy róc rách... để tăng cường ánh sáng và âm thanh vui tai, kích thích luân chuyển sinh khí trong nhà. Tuy nhiên, cần hạn chế những đồ vật có góc nhọn, tranh ảnh ảm đảm, hình thù kỳ quái treo trong phòng khách.

Dọn dẹp nhà bếp

Trong quá trình dọn dẹp vào dịp cuối năm, có không ít người thường coi nhẹ việc dọn dẹp nhà bếp ngay cả khi không gian này được sử dụng đều đặn hàng ngày. Thực tế, tiền tài cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình đều do phong thủy của không gian bếp chi phối.

Do đó, các gia chủ nên chú ý điều chỉnh phong thủy nhà bếp vào mỗi dịp năm hết Tết đến. Không chỉ cần lưu tâm dọn dẹp sạch sẽ, bạn có thể đặt thêm một vài vật trấn phong thủy tạ không gian này hoặc tiến hành thay đổi, sửa chữa nếu cần thiết.

Nếu nhà bếp đã được thiết kế cố định và không thể di dời, sửa chữa, các gia chủ cũng nên treo đĩa thất tinh hoặc một vài vật trấn phong thủy khác phù hợp với mệnh của mình vào sau cửa phòng bếp để tăng thêm cát tường, vận khí, giúp mọi chuyện mưa thuận gió hòa, gặp giữ hóa lành.

Dọn dẹp tượng thờ thần linh

Trong trường hợp gia chủ có để bàn thờ Bồ Tát, Phật Quan âm, Quan Công, Thần Tài, thổ địa… thì vào thời điểm dọn dẹp nên đặc biệt chú ý lau dọn theo vai vế trên dưới, trước sau để tránh phạm húy đối với thần linh.

Ngoài ra, trước khi tiến hành lau dọn bàn thờ, gia chủ cũng nên khấn vái xin phép rồi mới được tiến hành.

Một lưu ý khác cần phải nhớ đó là khăn lau bàn thờ thần linh phải là khăn sạch. Nước dùng để lau dọn tốt nhất là nước đun từ lá bưởi, lá hồng bì hoặc ngâm các loại cánh hoa, nếu không thì nhất định phải là nước sạch, tuyệt đối không dùng nước bẩn, nước cũ.

Đối với việc lau dọn bàn thờ, gia chủ nên chú ý chỉ cần lau sạch tàn hương chứ không nên xê dịch vị trí của lư hương. Bên cạnh đó, khi lau tượng thờ của các vị thần linh, bạn nên lau một cách nhẹ nhàng, nếu phát hiện có hư hại thì không được vứt mà tốt nhất nên cất đi.

Trong thường hợp nhà của gia chủ có bày các vật trấn phong thủy, bạn không cầu phải khấn vái trước khi lau dọn. Tuy nhiên tốt nhất cũng nên dùng nước sạch, khăn sạch. Trong trường hợp vật trấn phong thủy đã cũ hoặc hư hại thì nên thay mới hoặc cất kỹ ở những nơi không khuất trong nhà.

-Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo-

Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới