Có thể thấy thời gian khi em bé được sinh ra trong năm là rất quan trọng với sự phát triển cũng như sức khỏe trong tương lai của bé. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận các yếu tố liên quan như môi trường sinh sống, mức độ căng thẳng của người mẹ khi bầu bí; việc tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc trừ sâu…
Để sinh ra một em bé khỏe mạnh, phát triển tốt, các mẹ có thể căn cứ vào nhiều yếu tố liên quan, đặc biệt là chú ý đến tháng sinh nở vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của bé. Theo Tiến sĩ Hannes Schwandt, Trung tâm Y tế và An sinh, Đại học Princeton: “Các tài liệu khoa học gần 100 năm nay đều tìm thấy mối tương quan thú vị giữa mùa sinh và sức khỏe của bé trong tương lai.”Theo đó có 3 điều rất thú vị mà các mẹ cần biết:
Bé sinh ra trong mùa thu và sự phát triển vượt trội về thể chất
Một bé trai sinh ra vào tháng 11 có thể chạy nhanh hơn 10%, nhảy cao hơn 12%, và khỏe mạnh hơn 15% so với một đứa trẻ cùng tuổi sinh ra trong tháng 4, 5. Đây là kết quả một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Y học Thể thao năm 2014. Nhìn chung, những em bé chào đời vào mùa thu thường có sự phát triển tốt hơn khi sinh ra vào các thời điểm khác trong năm.
Lý do vì sao? Các tác giả nhóm nghiên cứu cho rằng khi mẹ bầu mang thai trong những tháng mùa hè sẽ tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời và do đó sẽ nhận được nhiều vitamin D – một dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Một phụ nữ bình thường cũng như khi mang thai cần được bổ sung đủ 600 IU vitamin D mỗi ngày. Lượng dưỡng chất này có thể hấp thụ qua thực phẩm, bổ sung vitamin cũng như việc tắm nắng và các chuyên gia cũng không quá lo ngại việc bà bầu thiếu hụt vitamin D.
Tuy nhiên nếu chị em nghĩ rằng mình đang thiếu hụt dưỡng chất này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được bổ sung cho phù hợp.
Thụ thai tháng 5 và nguy cơ sinh non
Theo một nghiên cứu vào năm 2013 của tiến sĩ Schwandt và các cộng sự, phụ nữ thụ thai vào khoảng tháng Năm (sẽ sinh con vào cuối mùa đông) sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn 10%. Nguyên nhân được cho là do đầu hè (chuyển mùa từ xuân sang hè) mẹ dễ mắc các bệnh cúm và căn bệnh này có thể khiến chị em bầu dễ sinh non.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Tháng Năm là tháng xấu nhất để thụ thai bởi có những năm mùa cúm sẽ đến sớm hơn và những mẹ bầu thụ thai vào những tháng trước đó lại có nguy cơ cao hơn. Vì vậy việc tiêm phòng cúm là rất quan trọng để bảo vệ phụ nữ mang thai cũng như chính em bé trong bụng có thể mắc phải những rủi ro nếu có.
Trẻ sinh mùa xuân và bệnh đa xơ cứng
Nồng độ vitamin D thấp khi mang thai vào những tháng mùa đông cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh đa xơ cứng trong tương lai. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 của của đại học Queen Mary ở Luân Đôn chỉ ra rằng nồng độ vitamin D ở trẻ sinh ra trong tháng Năm thấp hơn 20% so với trẻ sinh ra ở tháng 11. Trẻ sinh vào mùa xuân, đầu hè cũng dễ có nguy cơ nhiễm các tế bào T tự phản ứng (Autoreactive T-cell) hơn gấp 2 lần. Đây là loại tế bào có thể làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Một nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng cao nhất ở người sinh vào tháng Năm và thấp nhất ở người sinh tháng 11. Như vậy, mùa sinh ảnh hưởng tới lượng vitamin D mà bà mẹ mang thai cũng như thai nhi được hấp thụ, và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của bé trong tương lai. Vì vậy các chuyên gia luôn khuyên chị em cần bổ sung vitamin D đầy đủ.
Kết
Mẹ đừng hoảng sợ nếu thụ thai vào mùa xuân, đầu hè và cũng đừng chủ quan khi dự sinh vào tháng 11 bởi sự phát triển của trẻ trong tương lai còn được ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác như chế độ ăn uống; lối sống: hút thuốc lá, rượu bia và tập thể dục thể thao…
“Trừ khi bạn lên kế hoạch rõ ràng từ trước, ngoài ra không có tháng nào là tốt nhất hoặc xấu nhất để thụ thai, sinh con. Chăm sóc bản thân kỹ lưỡng, chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai là việc làm quan trọng và sẽ không có sự khác biệt nhiều ở đứa trẻ cho dù sinh ra vào tháng Năm hay tháng 11.”, tiến sĩ Schwandt kết luận.