1. Những đứa trẻ có thể làm được nhiều hơn chúng ta nghĩ
Hầu hết những bậc cha mẹ luôn luôn nghĩ con mình còn nhỏ bé, chưa thể làm được việc gì nên họ rất ít khi để trẻ lao động. Sáng sáng nhiều bà mẹ vẫn phải chuẩn bị đồ ăn trưa, sách vở, quần áo, mũ nón, giày dép, vừa lấy cốc sữa, cái bánh cho đứa con đã 5 tuổi đang còn ngái ngủ, ngồi chờ ở bàn ăn.
Các thầy cô giáo khuyên cha mẹ không nên rèn luyện tính ỷ lại như vậy của trẻ. Cha mẹ cần biết kiên nhẫn, để trẻ tự tìm ra giải pháp trong những tình huống và chắc chắn sau đó chúng sẽ làm được.
Một điều nữa, cha mẹ nên hiểu, tại trường cô giáo có thể "đối phó" với 20 em cùng một lúc, khó khăn gấp 10-20 lần so với chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy học tập sự kiên nhẫn từ những người thầy ở trường.
2. Trẻ rất dễ bắt chước
Một điều các thầy cô luôn muốn nói với các cha mẹ đó là bất cứ hành động nào của người lớn cũng khiến những đứa trẻ học theo, đặc biệt là những việc làm xấu. Các bậc cha mẹ luôn dạy con cái không được trả lời cha mẹ vọng xuống từ trên lầu, nhưng cũng không ít lần các ông bố bà mẹ vô tình từ dưới nhà gọi với lên bảo con xuống ăn cơm, đi học...
Trong khi các thầy cô giáo thì sao? Họ luôn kiên nhẫn, bình tĩnh và luôn nhắc bản thân: Trẻ con sẽ học theo mọi hành động của mình và giữ vững uy nghiêm của người làm thầy.
Tóm lại, các thầy cô giáo muốn nói với cha mẹ rằng: Như một điều chắc chắn, trẻ em sẽ luôn bắt chước hành vi của người lớn và mọi lời nói của bạn sẽ chẳng có tác dụng với trẻ nếu hành động của bạn đi ngược lại.
3. Trẻ em cần hiểu rằng những lỗi lầm là một phần của cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể mắc phải
Trong thực tế có rất nhiều phụ huynh không bao giờ xin lỗi con trẻ dù rằng rõ ràng là họ đã sai. Thầy cô giáo khuyên các bậc cha mẹ hãy công bằng với con cái của mình, tôn trọng con trẻ và qua đó dạy cho con biết: Lỗi lầm là một phần của cuộc sống và không ai là không mắc phải lỗi lầm.
Thực tế, những đứa trẻ không được dạy dỗ điều này thường có xu hướng cáu gắt, không kiểm soát được cảm xúc khi mình bị gặp sai lầm. Chúng cũng thường rơi vào tình cảnh: Nếu không làm đúng ngay từ lần đầu tiên thì sẽ chán nản và không muốn cố gắng làm lại.
Nếu con bạn tức giận khi không ghi được bàn thắng nào trong cuộc đấu bóng giao hữu hoặc vô tình làm đổ màu lên bức tranh vừa hoàn thành thì đã đến lúc bạn cần dạy con việc chấp nhận những lỗi lầm trong cuộc sống. Bạn có thể làm rơi vỡ 1 chiếc cốc hay lỡ tay cho nhiều muối hơn bình thường vào món ăn... Trẻ sẽ nhận ra đến ngay cả cha mẹ mình cũng có thể mắc lỗi và mình không nên băn khoăn về những sai lầm của mình.
Nuôi dạy con cái là một hành trình gian nan, quanh co và có nhiều con đường để đi. Đôi khi chúng ta cần phải lùi lại một bước và nhìn lại chính mình để nhìn nhận lại con đường chúng ta đang đi. Hãy luôn nhìn lại những hành động/lời nói của mình để kịp thời thay đổi hành vi.