1. Sốt cao
38 độ C trở lên với trẻ dưới 3 tháng tuổi, 38,5 độ C trở lên với trẻ từ 3-6 tháng tuổi hoặc 39,5 độ C với trẻ từ 6 tháng đến 2 năm tuổi cần phải được điều trị ngay. Có thể việc trẻ bị sốt là do virus thông thường gây ra nhưng vẫn cần có sự thăm khám của bác sĩ để chắc chắn. Nếu bệnh viện đã hết giờ làm việc, nên cho trẻ vào khoa cấp cứu luôn. Nếu trẻ đã trên 2 tuổi, sốt không phải là triệu chứng cấp bách nếu trẻ không bị mất nước và vẫn hoạt động bình thường. Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa về cách xử trí.
2. Sốt kéo dài
Nếu bạn đã cho bé uống thuốc hạ sốt mà thân nhiệt bé vẫn không giảm trong vòng từ 4-6 tiếng đồng hồ, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của việc nhiễm trùng quá mạnh và cơ thể không chống chọi được, cần có bác sĩ thăm khám toàn diện và đưa ra quyết định điều trị chính xác. Sốt do virus thông thường như cúm hoặc cảm sẽ biến mất sau 5 ngày. Nếu sốt kéo dài hơn, kể cả khi ở mức thấp (nhiệt độ chưa đến 38 độ C), rất có thể bé bị viêm phổi và cần điều trị bằng kháng sinh.
3. Sốt kèm theo đau đầu
Sốt đi kèm với trạng thái cứng ở cổ, phát ban, xuất hiện vết bầm tím hoặc vết đỏ li ti có thể là dấu hiệu của viêm màng não, cần đưa bé đến bệnh viện ngay nếu không sẽ rất nguy hiểm.
4. Nổi ban hình tròn
Nốt ban có quầng hoặc có những chấm đỏ li ti mà khi bạn ấn vào, những vết này không biến mất, hoặc vết bầm tím quá nhiều.
Nốt ban hình vòng với những chấm nhạt ở giữa có thể là dấu hiệu của bệnh Lyme. Cho bé đi khám ngay nếu bạn thấy những chấm nhỏ chỉ bằng đầu đinh dưới da bé, đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm. Bất cứ vết bầm tím không rõ nguyên nhân và lan rộng nào cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn máu. Ngoài ra, nốt phát ban hơi sần lên có thể là do bé bị dị ứng. Nếu bé khó thở, kích động hoặc mê man thì cần đi gặp bác sĩ ngay.
5. Đau bụng bất ngờ
Đau bụng vùng dưới bên phải, hoặc đau đột ngột và dữ dội từng cơn.
Nếu bé bị đau vùng bụng dưới bên phải, hãy thử bảo bé nhảy lên nhảy xuống, nếu bé nhăn nhó kêu đau đớn khi phải làm như vậy, rất có thể bé đã bị viêm ruột thừa.
Mặc dù đau ruột thừa ở vùng bụng dưới bên phải, cơn đau có thể bắt đầu từ giữa bụng sau đó mới lan ra bên phải.
Nếu là đau bụng do virus thông thường, bé thường sẽ sốt, sau đó nôn, rồi đau bụng và tiêu chảy. Nếu là đau ruột thừa, đôi khi là tiêu chảy, sau đó đau bụng, nôn mửa, đau đớn, rồi sau đó mới sốt.
Nếu bạn thấy những triệu chứng này, hãy gọi bác sĩ ngay – viêm ruột thừa tiến triển rất nhanh và điều trị sẽ hiệu quả nhất khi phát hiện sớm. Nếu bé dưới 4 tuổi và đau bụng khiến bé phải gập người lại trong khoảng một phút, rồi lại bình thường trong phút tiếp theo, thì có thể là dấu hiệu của bệnh lồng ruột, một tình trạng nghiêm trọng thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi đoạn ruột này sa vào một đoạn ruột khác. Cơn đau kéo dài trong 20 - 60 phút và có thể kèm theo nôn, sốt, đi ngoài ra máu. Nếu gặp những dấu hiệu này, cần đưa bé thẳng đến bệnh viện.
6. Nốt ruồi bất thường
Là những nốt ruồi mới mọc hoặc thay đổi bất thường. Hãy ghi lại những nốt ruồi của bé vào sổ theo dõi, đặc biệt là những nốt ruồi từ khi bé sinh ra. Kiểm tra da của bé mỗi tháng một lần khi tắm cho bé để phát hiện kịp thời những nốt ruồi có hình dạng bất thường, đường nét không đều, màu sắc không đồng nhất hoặc bị to lên. Tất cả đều có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh ung thư da.
7. Đau đầu kèm nôn mửa
Nếu bé đau đầu vào buổi sáng sớm hoặc giữa đêm hay kèm theo nôn mửa, có thể bé đã bị chứng đau nửa đầu. Đau nửa đầu ở trẻ em không nguy hiểm và thường là do di truyền từ gia đình. Tuy nhiên, đau đầu vào buổi sáng và nửa đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nào đó nghiêm trọng hơn, đó là lí do vì sao bạn cần đưa bé đi khám ngay.