1. Lên kế hoạch đi khám thai
Ngay khi phát hiện ra mình có thai, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám. Bạn sẽ có được lời khuyên đúng đắn cho một thai kì khỏe mạnh ngay từ bước đầu và sớm phát hiện được những vấn đề của thai nhi để kịp thời xử lí.
2. Điều chỉnh chế độ ăn
Mẹ bầu không cần phải ăn cho hai người nhưng cần ăn uống đa dạng đầy đủ dưỡng chất. Cần ăn ít nhất 5 phần rau quả trong một ngày. Bữa sáng là bữa thiết yếu và quan trọng không thể bỏ. Thực phẩm chứa tinh bột, giàu năng lượng như bánh mì, mỳ, cơm phải là thành phần cơ bản trong mỗi bữa ăn. Ăn hàng ngày thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Cần ăn cá 2 lần trong 1 tuần, và một trong hai lần đó nên là cá có chứa nhiều dầu như cá thu, cá hồi vì cá chứa rất nhiều protein, vitamin D, khoáng chất và các axit béo omega 3. Đặc biệt, các axit béo omega 3 là thành phần không thể thiếu để thai nhi phát triển trí não.
3. Uống thuốc bổ sung
Vitamin bổ sung cho bà bầu không thay thế cho một chế độ ăn uống cân bằng được. Nhưng chúng giúp ích khi bạn ăn kém hoặc quá mệt mỏi với việc phải ăn nhiều. Các thuốc bổ hay được sử dụng ở phụ nữ có thai là viên sắt, acid folic, canxi, magiê, vitamin B6, vitamin E, polyvitamin... Đặc biệt, sắt, canxi, acid folic là ba thứ rất cần thiết cho các bà mẹ mang thai. Tuy nhiên, nếu qua các xét nghiệm mà không thấy sự thiếu hụt của các chất đó trong cơ thể (do ăn uống đã đầy đủ rồi) thì không cần uống thêm, thậm chí, uống thêm có thể gây nguy hại cho thai nhi.
4. Tập luyện thường xuyên
Tập luyện thường xuyên không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà còn giúp quá trình "vượt cạn" dễ dàng hơn. Ngoài ra, vận động còn làm tinh thần bạn phấn chấn hơn, giảm stress và dễ lấy lại vóc dáng ban đầu sau khi sinh bé. Những bài tập phù hợp cho phụ nữ mang thai gồm có: yoga, bơi, pilates, đi bộ,...
5. Tập Kegels - bài tập kì diệu dành cho mẹ bầu
Kegels là bài tập vùng dưới sàn cơ xương chậu, có tác dụng củng cố các cơ bắp ở bàng quang và âm đạo. Những cơ quan này có xu hướng bị yếu đi khi bạn mang thai do sức nặng của thai nhi đè lên và do lượng hooc môn bị biến đổi thất thường. Tập Kegels thường xuyên, bạn sẽ phòng ngừa được chứng tiểu thường xuyên hay gặp ở bà bầu và "vượt cạn" dễ dàng hơn.
6. Nói "không" với bia rượu, thuốc lá
Uống nhiều rượu trong quá trình mang thai rất nguy hiểm cho em bé trong bụng của bạn, có khả năng gây dị tật và làm giảm sự phát triển trí não ở thai nhi. Bất kể bạn uống bao nhiêu, lượng rượu đó sẽ đi trực tiếp đến em bé thông qua các mạch máu và nhau thai. Vì thế, tốt nhất, các bà mẹ tương lai hãy nói "không" với bia rượu để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Tương tự, thuốc lá cũng cực kì độc hại. Nếu là người nghiện thuốc lá, bạn hãy tìm cách bỏ ngay khi biết mình có thai, vì sức khỏe của cả hai mẹ con.
7. Chú ý khi dùng caffeine
Cà phê, trà và cola là những đồ uống chứa chất kích thích nhẹ. Một số ý kiến cho rằng sử dụng quá nhiều caffeine có thể tăng nguy cơ sảy thai và sinh con nhẹ cân. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, mẹ bầu vẫn có thể dùng 200mg caffeine một ngày (tương đương 2 tách nhỏ cà phê hòa tan) mà không làm hại đến em bé trong bụng. Tốt nhất là trong quý đầu tiên của thai kì, mẹ bầu nên kiêng hẳn loại đồ uống này.
8. Nuông chiều bản thân
Bạn đang nuôi trong mình một mầm sống, giờ đây, việc nghỉ ngơi và chiều chuộng bản thân cần phải đặt lên hàng đầu. Trong ba tháng đầu, bạn sẽ cảm nhận rất rõ rệt những dấu hiệu của cơ thể thông báo bạn cần làm mọi thứ chậm lại: ốm nghén, mệt mỏi, thèm ngủ,... Nếu bạn không thể ngủ được vào ban đêm, hãy cố làm một giấc ngủ ngắn ban ngày để đảm bảo ngủ đủ giấc. Khi những cơn đau lưng bắt đầu xuất hiện và quấy rầy giấc ngủ, hãy thử dùng nhiều gối kê đỡ để có giấc ngủ thoải mái hơn. Tập luyện là cách cực kì hiệu quả giúp bạn đẩy lùi những cơn đau lưng này, nhưng đừng tập quá gần giờ đi ngủ.