SỨC KHỎE » Chăm con

Bầu bí – nguy hiểm rình rập!

Chủ nhật, 16/11/2014 11:47

Sảy thai, sinh non, tiểu đường thai kỳ… là những biến chứng nguy hiểm luôn rình rập mẹ bầu.

Trong 9 tháng mang thai, cơ thể mẹ bầu có rất nhiều thay đổi và những thay đổi đó có thể gây ra những biến chứng khá nguy hiểm. Mẹ bầu cần chú ý đến những biến chứng này để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra.

Huyết áp cao

Huyết áp cao là dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật. Thông thường những bệnh lý này xảy ra sau tuần 20 thai kỳ và dấu hiệu phổ biến nhất là huyết áp cao đột ngột, mờ mắt, đau đầu và đau dạ dày. Trong hầu hết các trường hợp, sản phụ sẽ được chỉ định sinh non. Đây không phải là vấn đề nguy hiểm với mẹ đã qua 37 tuần, tuy nhiên nếu thai kỳ vẫn còn quá sớm, bác sĩ sẽ cân nhắc để cho thai phụ nghỉ ngơi và cho thuốc hạ huyết áp.

Tiểu đường thai kỳ

Do sự thay đổi nội tiết tố và đôi khi vì mẹ bầu ăn uống quá nhiều đặc biệt là đồ ngọt khiến mẹ bầu rất dễ bị tiểu đường thai kỳ. Tiều đường dễ mắc nhưng lại ẩn chứa nhiều hiểm họa với sức khỏe mẹ bầu như khiến thai nhi to quá chuẩn, thai nhi béo phì và gặp rủi ro trong quá trình sinh nở.

Tiền sản giật

Tiền sản giật thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nó có khả năng làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu. Mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật là các đối tượng có lịch sử gia đình hoặc đã từng bị tiền sản giật trong lần sinh trước, những người bị huyết áp cao, tiểu đường, béo phì.

Nếu mẹ bầu nhận thấy mình đang có các vấn đề sau thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa:

- Đau đầu thường nhật hoặc đau đầu vào khoảng thời gian cố định.

- Chân tay sưng, phù nề nặng

- Đau bụng phải nhiều

- Tăng cân nhanh chóng ( Ví dụ: 4 ngày tăng 10 kg)

- Mắt nhìn mờ

- Cảm tưởng như bị cảm cúm nhưng không chảy nước mũi, không đau họng

Mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống khoa học. (ảnh minh họa)

Sảy thai

Đây là mối đe dọa tới tất cả các mẹ bầu vì tỷ lệ các ca kết thúc bằng sảy thai chiếm tới 15-20%. Sảy thai có nhiều nguyên nhân như mẹ gặp vấn đề bất thường ở tử cung, thai nhi yếu và rất nhiều trường hợp sảy thai không rõ nguyên nhân.

Thiếu máu

Tỷ lệ những mẹ bầu bị thiếu máu trong thai kỳ khá cao bởi giai đoạn này cơ thể cần rất nhiều sắt để nuôi dưỡng thai nhi. Khi mẹ bầu bị thiếu máu sẽ có dấu hiệu khó thở, hoa mắt, chóng mặt, trường hợp nặng còn ngất xỉu.

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, mẹ bầu cần chú ý thiết lập một chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên những thực phẩm giàu dưỡng chất để nạp đủ sắt.

Nôn ói nặng

Hầu hết các trường hợp ốm nghén đều gây ra sự khó chịu, mệt mỏi cho thai phụ. Tuy nhiên nó không có hại và chỉ diễn ra trong thời kỳ đầu mang thai và biến mất. Bên cạnh đó, cũng có một số thai phụ ốm nghén quá nặng. Triệu chứng là thường xuyên nôn ói, rất ít đi tiểu và không đi tiểu, không thể ăn uống được gì, vì càng ăn thì lại càng nôn. Những dấu hiệu này cho thấy bạn đang bị mất nước nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến em bé.

Có 1 số trường hợp đặc biệt thai phụ bị chứng nghén cận ngày (Nghén HG) nếu không được theo dõi và điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu chị em thấy mình có những biểu hiện nghén bất thường, cần tới khám chuyên khoa để được tư vấn hoặc truyền nước trong trường hợp cần thiết.

Sinh non

Sinh non cũng là biến chứng vô cùng nguy hiểm trong thai kỳ. Nguyên nhân dẫn đến triệu cứng này có thể do mẹ gặp vấn đề về nhau thai, căng thẳng… Để ngăn ngừa nguy cơ này, chị em cần có lối sống khoa học, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và khám thai thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.

Theo Khampha.vn