Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con. Vì thương con cha mẹ dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, thậm chí chiều sinh hư.
Trẻ còn nhỏ, việc đòi mua đồ dùng nho nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến tài chính gia đình. Nhưng trẻ càng lớn, đòi hỏi càng nhiều hơn, thỏa mãn nhu cầu này, nhu cầu khác tiếp tục xuất hiện trong khi khả năng kinh tế của ba mẹ có hạn.
Hoặc có khi còn đòi hỏi thứ không phù hợp với bản thân hay lứa tuổi. Nếu đáp ứng thì trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ, không biết trân trọng những gì đang có, dẫn đến thái độ vô tâm, vô cảm, chỉ nghĩ đến bản thân. Còn không thì trẻ sẽ khóc lóc ăn vạ và thậm chí có hành động tổn thương cha mẹ.
Như bài đăng trên một diễn đàn mới đây: "Vì quá được cưng chiều - bé gái lớp 2 cắn người mẹ 30 phút không dừng".
Cụ thể: "Mẹ đi salon, bé gái xin được nhuộm tóc nhưng mẹ không đồng ý, vì đòi hỏi không được bé liền ăn vạ bằng cách cắn mạnh người mẹ đến mức chảy máu. Mặc cho các bạn nhân viên can ngăn bằng mọi biện pháp nhưng bé vẫn không dừng. Người mẹ thấy con như vậy thì chỉ biết ngồi yên lau nước mắt".
Con gái đòi hỏi không được liền cắn mẹ đến mức chảy máu.
"Mình chưa có con nên không biết đến lúc nó sẽ như thế nào. Nhưng mà phải nghiêm bé mới nghe lời được", "Chiều chuộng quá nên vậy", "Dậy con từ thủa còn thơ"... nhiều người bình luận.
Vậy cha mẹ phải xử lý như thế nào trong trường hợp con đòi hỏi?
Nếu thứ con đòi là hợp lý cha mẹ có thể nói "có" nhưng nên kèm theo điều kiện
Dù có khả năng đáp ứng yêu cầu của bé nhưng bạn không nên vội vã thỏa mãn bé ngay, thay vào đó, nên để bé có cơ hội phải thực hiện được một hành vi tốt mới có được thứ bé muốn.
Nếu bé đề nghị: "Con muốn xem hoạt hình" thì bạn nên đáp: "Được nhưng con phải hoàn thành xong bài tập về nhà đã". Nếu bé nói: "Con đói" thì bạn nên đáp: "Mẹ biết nhưng con giúp mẹ dọn bàn ăn nhé. Sau đó, mẹ con mình cùng rửa bát nhé". Nếu không hợp lý nên nói "không" linh hoạt
Khi đòi hỏi từ bé vượt ngoài tầm kiểm soát, cha mẹ nên từ chối. Trẻ hiểu rằng sẽ không thể có tất cả những gì mình muốn, bởi lẽ nguồn tài chính gia đình là có hạn. Để lời nói "không" có hiệu lực, bạn nên tham khảo gợi ý dưới đây: - Kiên định nói "không", dù bé mè nheo.
- Giải thích cho bé lý do tại sao bạn nói "không" để bé không ấm ức.
- Chỉ giải thích lý do nói "không" cho bé một lần. Nếu đó là cái bạn có thể đáp ứng nhưng không phải bây giờ thì bạn nên hướng dẫn bé cách có được thứ bé muốn, như phải ăn ngoan thì mới được mua ôtô mới… Ví dụ trường hợp này, bạn nên dùng mẫu câu sau: "Không được vì con đã có nhiều đồ chơi. Nhưng nếu con không đánh em nữa, mẹ sẽ xem xét lại điều này".
Mẫu câu "Không được vì... nhưng nếu con... mẹ sẽ cân nhắc lại" được áp dụng với những đòi hỏi khác của bé. Bé sẽ hiểu được rằng, một số lời nói “không” từ cha mẹ có thể chuyển thành "có thể", sau đó là "có" khi bé nỗ lực làm một việc cụ thể.
Sẽ rất tốt nếu ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cho con được biết và tham gia việc quản lý tài chính gia đình để trẻ hiểu và biết cách kiểm soát đòi hỏi và chấp nhận sự giới hạn.
Đồng thời, cha mẹ nên dạy con giá trị của lao động thông qua việc cho trẻ tự kiếm ra tiền đáp ứng nhu cầu của bản thân.