Các chuyên gia vẫn khuyên các mẹ nên cho trẻ bú mẹ tròn 6 tháng đầu đời rồi có thể tập ăn dặm. Vào thời điểm này, các mẹ có thể tập cho bé một số phản xạ cơ bản để phục vụ cho việc ăn dặm sắp tới. Nhai là một phản xạ tương đối quan trọng bé cần học. Không ít mẹ đã tỏ ra bối rối khi bé tỏ ra muốn nôn ọe khi mẹ chuẩn bị cho con đồ ăn hơi lợn cợn một chút vì bé chưa biết cách nhai mà chỉ chực nuốt chửng. Hãy cùng tham khảo cách giúp bé học nhai thành thạo các mẹ nhé.
1. Để trẻ dùng miệng để "khám phá thế giới xung quanh"
Thông thường khi con bắt đầu biết lẫy và biết cách cầm nắm đồ vật (tầm 3-4 tháng tuổi), các mẹ luôn trong tình trạng lo lắng khi con ngậm mọi thứ vào miệng vì sợ bé sẽ nhiễm vi khuẩn hay nuốt phải những dị vật không mong muốn. Tuy nhiên, đây là một kĩ năng bé cần phải rèn luyện và là bước đầu tiên trong quá trình tập nhai của mình. Khi ấy bé sẽ dùng môi, lưỡi và lợi để khám phá hình dạng và cấu tạo của các đồ vật xung quanh. Giai đoạn này mẹ hãy mua những món đồ chuyên dụng và hợp vệ sinh cho bé như đồ chơi gặm nướu của các nhãn hiệu an toàn và uy tín cho bé tập gặm. Lúc này, có thể mẹ đã có thể chuẩn bị cho bé thức ăn dạng sệt để bé thử dần.
2. Giúp con tăng hoạt động của cơ miệng
Khi tập nhai bé sẽ cần huy động sự giúp đỡ của vô số các cơ trong miệng, các cơ này cũng đồng thời sẽ hỗ trợ bé trong quá trình tập nói. Vì vậy, khi bé bắt đầu bi bô và thốt lên những âm thanh bập bẹ như a, ô , mẹ hãy khuyến khích bé làm như vậy càng nhiều càng tốt để cơ miệng bé có thêm cơ hội phát triển. Thậm chí mẹ có thể làm bé cười đùa hùa theo những hành động, trò chơi mẹ nghĩ ra. Những hành động tưởng như rất bình thường ấy của mẹ lại giúp cơ hàm bé khỏe hơn để việc nhai sắp tới diễn ra thuận tiện hơn
3. Giúp con vượt qua tình trạng nôn trớ
Nôn trớ là một phản xạ tự nhiên bé có từ khi còn sơ sinh để bảo vệ bé khỏi hóc các thức ăn không phù hợp ngoài sữa. Khi bé đã đến tuổi ăn dặm, mẹ hãy giúp bé loại bỏ phản xạ này bằng cách luyện cho bé ăn những thức ăn từ loãng đến đặc dần, mịn đến hơi thô để bé có cơ hội thử khả năng nhai. Nếu ngay từ những lần thử đầu tiên mà bé có biểu hiện nôn, mẹ không nên quá lo lắng và hãy đừng ngại giúp bé thử lại một lần nữa.
4. Các bước cơ bản để bé tập phản xạ nhai
Bước 1: Mẹ có thể tập cho con ăn thô đều đặn hàng ngày bằng các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa mà bé thích trước, ví dụ như đậu phụ, khoai tay nghiền, khoai lang hấp v.v. Bắt đầu cho bé ăn từ bước nghiền thật nhuyễn trước, sau đó tăng dần độ lợn cợn của thực phẩm để cho bé quen dần và xem bé có thể quen được đến mức nào. Sau đó tiến tới cho bé ăn một miếng nhỏ bằng nửa hạt đậu để bé tự mình nhai nhỏ đến khi có thể nuốt được, không nuốt chửng gây ọe nữa. Mẹ tiếp tục luyện cho con đến khi nào con có thể ăn miếng mà mẹ xắn theo kích thước nào cũng được và nhai cho đến khi miếng ăn đó nhuyễn hẳn để có thể nuốt dễ dàng
Bước 2: Khi bé đã tập nhai quen các thực phẩm mềm trên, mẹ có thể tập cho con nhai cháo có độ thô nhiều hơn. Ở bước này, trước mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ hãy múc riêng ra một thìa cháo nguyên hạt, xay rối hơn độ mịn bé vẫn ăn một chút, sau đó trộn chỗ cháo này vào bát cháo đã xay nhuyễn của con. Khi cho bé ăn, mẹ hãy nghe ngóng xem con phản ứng thế nào, nếu bé không chịu được và có dấu hiệu nôn ọe, mẹ hãy dừng lại ngay. Lúc này mẹ lại quay về tập cho bé nhai bằng đồ ăn mềm cho đến khi nào bé sẵn sàng thử lại món cháo ở trên. Để giúp con không ọe, trong khi ăn mẹ nên cho bé thêm 1 thìa nước để bé nuốt được dễ dàng hơn. Cứ như vậy, mẹ nâng dần độ thô của cháo lên dần cho đến khi bé quen hẳn và có thể ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay vẫn có thể có xơ, và thịt thì chỉ cần bằm nhuyễn. Bước luyện tập này mẹ có thể kéo dài cả tháng hoặc hơn, miễn là mẹ chịu kiên nhẫn.
Ngoài việc luyện cho con bằng cháo và thức ăn mềm, khi bé được khoảng 7 tháng, mẹ có thể mua cho bé các loại bánh ăn dặm để bé tập cầm tay và cho vào mồm nhai. Loại bánh này có thể tan ngay khi mới cho vào miệng bé, nên mẹ cũng không phải lo bé bị hóc khi luyện tập.