Tầm quan trọng của vận động đối với trẻ
Vận động giúp phát triển thể chất lẫn tinh thần, đem lại các cảm xúc tích cực, tự tin và xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ. Nó cũng giúp gia tăng quá trình trao đổi chất và tuần hoàn máu. Điều này rất quan trọng, bởi máu vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến mọi tế bào của cơ thể. Và trên hết, vận động giúp cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng cao hơn.
Hoạt động thể thao thường xuyên giúp tăng cường hệ tim mạch cho trẻ, nhờ đó trẻ sẽ trở nên khoẻ mạnh và linh hoạt hơn. Ngoài ra, sức tập trung của trẻ cũng sẽ gia tăng, giúp trẻ học tập tốt hơn. Do đó, bố mẹ cần khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để có thể phát triển toàn diện.
Việc lười vận động sẽ khiến trẻ phải đối mặt với những nguy cơ mắc nhiều bệnh như:
- Bệnh tim: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển thì trong máu của các trẻ ít vận động có những dấu hiệu về sinh - hóa học cho thấy biểu hiện tiềm ẩn của căn bệnh tim mạch ở giai đoạn đầu.
- Hệ cơ và xương của trẻ không thể phát triển toàn diện: Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam cho rằng, người Việt hiện thấp nhất trong khu vực là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên.
- Bệnh béo phì: Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tiểu đường loại 2 cho trẻ.
- Bệnh tự kỷ: TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, trường Đại học KHXH&NV cho biết, các kết quả thống kê sơ bộ đều cho thấy một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng tự kỷ ở trẻ là thói quen lười vận động.
Một số phương pháp khuyến khích trẻ yêu thích vận động
Bạn đồng hành cùng trẻ trong quá trình vận động: Lúc đầu bạn nên dành thời gian chơi cùng con. Hãy bắt đầu bằng những trò con thích. Cho bé vận động, tập thể dục không nhất thiết phải là những bài tập như đi bộ, chạy bộ, đá bóng mà bạn có thể bày ra các trò chơi dân gian như trò chơi trốn tìm, đá gà, cua cắp, cá sấu lên bờ… hoặc những trò chơi xã hội như chơi nấu ăn, bán hàng… Thông qua các trò chơi bé không chỉ có thể rèn luyện được kỹ năng vận động, sự nhanh mắt mà còn học được cách chăm sóc người khác cùng với các bí quyết dinh dưỡng cơ bản để có một sức khỏe tốt.
Thử thách vận động thú vị: Tạo ra các thử thách cho bé trong các trò chơi, khi thử thách được hoàn thành có phần thưởng kèm theo sẽ khiến bé thích thú và ham muốn tham gia vào các trò chơi này hơn là nghịch các thiết bị điện tử.
Tích cực hoạt động nhóm, sinh hoạt tập thể: Bạn nên đưa bé đến những môi trường sinh hoạt tập thể, nhóm để bé tham gia như câu lạc bộ nhảy, múa, hát với bé gái hay võ thuật với bé trai… Ban đầu bạn không nên quá đòi hỏi bé phải tham gia được ngay như những đứa trẻ khác, mà để bé quan sát các bạn chơi, tập, dần dần bé sẽ cảm thấy đó là những trò vui vẻ, an toàn và nảy sinh mong muốn được chơi như các bạn.
Cho trẻ đi chơi ngoài trời nhiều: Bạn nên cho bé ra công viên hoặc những nơi vui chơi giải trí công cộng để trẻ có thể vui đùa, chạy nhảy... hơn là cứ bắt trẻ ở trong nhà. Trong khi vui chơi với trẻ, có thể nhận ra những điểm yếu của trẻ để giúp khắc phục cũng như hình thành tính cách cho bé. Những trò chơi đầy năng động sẽ giúp trẻ hình thành thói quen và phản ứng nhanh nhạy khi chơi. Có thể nói sự thích thú của bé khi tham dự một môn thể thao nào đó rất giản dị là vì chúng muốn được vui chơi. Hãy để cho bé tự chọn lựa môn thể thao nào chúng cảm thấy thích. Bởi vì thể thao là một trò chơi, trước tiên nó cần có sự yêu thích. Bạn nên dành nhiều thời gian cho con tham gia những môn thể thao phù hợp với tính cách của chúng, để chúng có thế phát triển thể chất một cách toàn diện. Luôn tạo không khí vui vẻ trong quá trình luyện tập, để bé yêu thích việc luyện tập hơn.
Lập thời gian biểu phù hợp cho bé và gia đình: Bạn cần lập một thời gian biểu cho sinh hoạt trong gia đình đặc biệt là cho bé. Không bắt buộc phải thực hiện đúng từng phút nhưng mọi sinh hoạt của bé và gia đình cần phải khoa học, rõ ràng như giờ nào thức dậy, giờ nào ăn, giờ nào giải trí, đi tập thể dục thể thao, vệ sinh cá nhân và giờ nào đi ngủ… Việc tạo thời gian biểu này sẽ giúp gia đình bạn, đặc biệt là bé có một thói quen sinh hoạt khoa học.
Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ của bé: Bé cần có sự đảm bảo về mặt dinh dưỡng và được nghỉ ngơi đầy đủ thì mới có đủ năng lượng cho hoạt động thể chất. Vì vậy, để giúp bé vận động bạn cũng không được quên yếu tố này.