Liệu pháp massage cho trẻ thực sự quan trọng, những động tác này sẽ đem lại sự điều hòa các hệ thống trong cơ thể như hệ thống tuần hoàn mạch máu, hệ thống hô hấp, hệ thống thần kinh hệ thống tiêu hóa của trẻ. Những tác động tích cực của massage thể hiện và khẳng định qua giấc ngủ của trẻ. Những trẻ được masage nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn những bé không được massage.
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sinh thiếu tháng được massage trị liệu thì sẽ có thời gian nằm viện ngắn hơn và tăng cân tốt hơn những trẻ không được massage từ 21% đến 47%.
Chuẩn bị mát-xa cho bé
Bạn nên lưu ý phải rửa tay thật sạch trước khi bắt đầu mát-xa, và cần tháo tất cả những đồ trang sức có khả năng làm trầy xước da bé. Trước khi tiến hành, bạn nên kiểm tra thật kỹ không gian cho bé, phòng phải thật ấm áp, kín gió.
Mặc dù dầu mát xa khiến những động tác của bạn chuyển động được dễ dàng, mượt mà hơn nhưng các chuyên gia y tế cho rằng “có dầu mát-xa cũng được, mà không có cũng chẳng sao”, đặc biệt bạn không nên lạm dụng dầu mát-xa ở vùng mặt của bé.
Đối với những trẻ sinh non và trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi, 10 phút mát-xa là một khoảng thời gian đủ dài. Tăng dần lên 20 phút mỗi ngày khi em bé lớn hơn.
Bạn nên lưu ý mát-xa nhẹ nhàng nhưng với áp lực đủ lớn để em bé không cảm nhận thấy mình đang bị cù- ki nhé.
Mát-xa tay và chân
Nhẹ nhàng dùng hai lòng bàn tay chà xát tay và chân bé một cách nhẹ nhàng, bạn có thể mát-xa cho con bằng cách nhịp nhàng di chuyển hai tay theo động tác vắt sữa bò, và lăn tay, chân bé giữa hai bàn tay của bạn.
Sau đó bạn có thể vỗ nhẹ các ngón tay của mình lên bề mặt da của tay và chân bé. Mát-xa bàn tay nhỏ bé của con bằng cách vuốt ve nhẹ nhàng từ lòng bàn tay bé di chuyển lên đến đầu các ngón tay. Mát-xa đều đặn sẽ khiến máu ở tay và chân bé được lưu thông dễ dàng, tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại các bệnh có liên quan đến sự căng thẳng ở bé.
Mát-xa mặt cho bé
Nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ của bạn tạo hình vòng tròn nhỏ trên mặt bé, bắt đầu từ trung tâm của trán và từ từ vuốt ve sang hai bên của khuôn mặt bé. Từ trán, bạn chuyển tới má, mũi, cằm của bé. Mát-xa tai bằng cách dùng hai ngón trỏ và ngón tay cái của bạn day nhẹ tai bé từ phía dưới lên vành tai trên.
Mát-xa đầu bé
Đối với một em bé dưới 4 tháng, bạn tuyệt đối không nên “đụng chạm” tới điểm mềm trên đầu bé (thóp). Khi trên 4 tháng tuổi, bé bắt đầu có thể chủ động kiểm soát được đầu và cổ của mình, bạn có thể mát-xa một cách nhẹ nhàng bằng cách dùng ngón tay trỏ tạo hình vòng tròn nhỏ trên đầu bé.
Mát-xa lưng bé trong tư thế mới
Đặt em bé nằm sấp trên bụng bạn, bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng bé nằm trong tư thế thoải mái. Bắt đầu từ vai bé, bạn hãy dùng những ngón tay của mình mát xa thật nhẹ nhàng cho bé theo dọc sống lưng. Bạn cần làm nhanh động tác này vì bé rất dễ cười khanh khanh khi bạn chạm vào những vị trí "buồn buồn" như thế này trên cơ thể của bé.
Mát-xa bụng bé
Thời điểm tốt nhất để mát-xa bụng cho con là sau khi con ăn được khoảng 1 tiếng. Bạn có thể dùng ngón trỏ tạo vòng tròn trên bụng con lấy tâm là rốn bé.
Hoặc bạn có thể sử dụng chuyển động chèo thuyền ở bụng bé, hai tay bạn khép đặt nằm vuông góc với bụng bé sau đó di chuyển nhẹ nhàng lên xuống bụng bé. Các chuyên gia y tế nhận xét cách này rất hiệu quả trong việc cắt nhanh cơn đau bụng và cải thiện hệ tiêu hóa cho con.
Lưu ý khi mẹ massage cho bé yêu
Thời gian tốt nhất cho việc massage là 40 -50 phút sau khi ăn, lúc này trẻ đang có tinh thần và hoạt động khá tốt. Khi mới bắt đầu chỉ nên từ 5 – 10 phút, dần dần có thể tăng thời gian. Khi bé 3 tháng tuổi có thể massage đến nửa giờ.
Trước khi massage cho trẻ mẹ bé nên tháo hết các vòng trang sức, cắt móng tay ngắn, tay phải luôn ẩm và mềm mại. Nếu da bạn khô bạn có thể xoa một ít kem dưỡng ẩm nửa giờ sau đó mới tiền hành massage.
Căn phòng massage cho trẻ phải ấm áp nhưng cũng không nên quá ngột ngạt. Giường hoặc đệm đều được nhưng không được quá cứng.
Như một nguyên tắc chung, những động tác mà bạn muốn áp dụng cho bé phải thực sự nhẹ nhàng. Trẻ càng nhỏ thì hành động càng phải dịu dàng và tinh tế. Không nên cố làm hết các bước nếu bé bắt đầu tỏ vẻ khó chịu.