Thông thường trẻ coi việc đánh người khác chỉ là cách ăn vạ, đòi cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình. Chính vì một vài lần trẻ có hành động này và cha mẹ đã tỏ thái độ nhượng bộ, từ đó các bé coi đó là "vũ khí lợi hại" của mình. Đó có thể là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ hoặc cũng có thể là kết quả của sự sai lệch nào đó về mặt tâm lý.
Khi trẻ đánh người khác, có hành vi bạo lực, bố mẹ nên xử trí ra sao? Đây là một tính cách xấu cần phải thay đổi ngay. Tuy nhiên tùy theo từng tình huống cụ thể mà bố mẹ có những cách ứng xử phù hợp.
Cha mẹ cần đoán biết trước hành động của bé để có thái độ thích hợp. Chẳng hạn, bạn lắc đầu tỏ ý không bằng lòng, hoặc áp dụng cách rất hay sau: Nắm lấy tay bé và bảo: “Con ơi, tay này để vuốt ve, không phải để đánh người khác, con không nên làm như thế". Trẻ nhỏ chưa có nhận thức rõ về những việc mình làm, do vậy khi bé có những hành vi sai trái, cha mẹ có thể hướng bé sang những hoạt động khác để bé quên những hành vi này đi.
Ngoài ra, cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc bé, chơi đùa cùng bé. Tránh cho bé tiếp xúc, nhìn thấy những hành vi bạo lực từ môi trường xung quanh. Cũng không nên trừng phạt bé bằng một hành vi bạo lực khác của người lớn. Thay vào đó, cha mẹ và người thân nên cho bé tiếp xúc với những lời nói nhẹ nhàng, những cử chỉ âu yếm thể hiện tình cảm, yêu thương nhau.
Đưa cho con giải pháp thay thế, giúp con diễn đạt ra bằng lời các cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của mình. Càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Ví dụ mẹ nói với bé: "Mình bảo bạn là: Bạn ơi, tớ đang chơi đồ chơi đó, bạn cho tớ xin lại nhé. Tý nữa tớ chơi xong, tớ đưa cho bạn nhé.", hoặc "Con bảo bạn là: Bạn đừng nhìn tớ như thế, tớ không thích đâu."
Việc đánh mắng, kỷ luật trẻ bằng bạo lực hoặc hình phạt chỉ giúp người lớn khẳng định thế thượng phong, làm cho trẻ thấy sợ hãi và ngày càng tìm cách tinh vi hơn để đối phó, chứ không bao giờ có tác dụng giáo dục thực sự, không giúp trẻ thay đổi nhận thức và hành vi.
Tìm cách lắng nghe, thấu hiểu dựa trên nền tảng của sự yêu thương không chỉ là cách hiệu quả nhất nâng đỡ sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, mà còn giúp chính người lớn dạy trẻ như cha mẹ và thày cô giáo trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn.