Nói chuyện với trẻ là một trong những phương pháp giáo dục mang lại nhiều hiệu quả bất ngờ đối với các bậc phụ huynh. Không gò ép cho con những triết lý nặng nề nhưng vẫn khiến trẻ hiểu vấn đề và tự thay đổi bản thân mà không cần đến những lời mắng mỏ. Dưới đây là một số cách câu nói các bậc cha mẹ nên sử dụng để dạy con tự thay đổi thói quen xấu.
Cách từ chối những đòi hỏi của trẻ mà không khiến bé bị tổn thương
"Sự lựa chọn là của con"
Khi trẻ không muốn làm những công việc hàng ngày như từ chối đi ngủ, không muốn làm bài tập về nhà thì bạn hãy nói cho trẻ biết rằng: "Sự lựa chọn là của con".
Tuy nhiên, trọng tâm của câu nói này không phải là lời nói, mà để gửi cho trẻ hiểu một thông tin rằng: bạn tự đưa ra lựa chọn của mình và được đáp ứng, tất nhiên bạn phải chịu trách nhiệm của những quyết định đó.
Một cô bé đã bướng bỉnh không chịu đi ngủ đúng giờ, thậm chí còn hay ăn vặt trước khi đi ngủ. Cha mẹ cô bé rất bình tĩnh và chỉ nói chuyện với bé rằng con có thể tự quyết định được hành động của mình. Cô bé vui mừng, ăn vặt mỗi ngày trước khi đi ngủ và không hề đánh răng. Sau đó, mẹ đã đưa cho cô bé một cuốn truyện nói về việc một con cá sấu hung dữ làm bác sĩ, và nó cực kì ghét nhưng chiếc răng sâu. Cô bé đã rất sợ hãi và chạy đến bên mẹ khóc khi biết rằng răng mình rất có thể đã bị sâu khi lười đánh răng.
Mẹ cô bé chỉ nhẹ nhàng nói rằng: "Con phải nhận trách nhiệm về việc làm của mình chứ, nếu không muốn sâu răng thì con hãy thực hiện tốt việc đánh răng và đi ngủ đúng giờ nào".
Cô bé ngay lập tức đã thay đổi thói quen xấu hàng ngày, vui vẻ chấp nhận việc đi ngủ đúng giờ và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
"Con là người làm ra việc đó nên con sẽ phải tự giải quyết hậu quả".
Nếu đứa trẻ không may mắc phải lỗi như vứt đồ chơi lung tung sau khi chơi, làm bẩn sàn nhà... thì bạn có thể dùng câu nói trên để dạy trẻ. Nhưng hãy chú ý giọng nói của mình để trẻ không nghĩ rằng bạn đang tức giận.
Cách nói này ngoài việc dạy trẻ việc độc lập trong mọi hành động thì còn cho trẻ thấy được rằng hành động mình vừa làm chưa đúng, do mình tự làm ra, tự bản thân thấy cảm giác mình có lỗi và mình sẽ giải quyết chúng. Như vậy, từ lần sau những hành động như vậy sẽ không còn tái diễn nữa.
"Cha mẹ rất yêu con, nhưng không muốn con làm những việc như vậy".
Đối với bất kì đứa trẻ nào thì cha mẹ luôn là chỗ dựa mỗi khi trẻ mắc sai lầm. Nhưng thay vì nũng nịu trẻ, hãy nói câu nói trên để trẻ thấy rằng việc mình làm là chưa tốt, làm bố mẹ không vui. Nhưng hay chú ý thái độ của mình đừng để trẻ nghĩ rằng mình đang tức giận, điều đó sẽ khiến chúng bị tổn thương.
Vì vậy, câu nói "cha mẹ rất yêu con" được nói ra trước khi phân tích những lỗi sai của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, phân biệt giữa đúng và sai, biết mình đã làm sai điều gì và hơn tất cả là cha mẹ vẫn yêu chúng. Trẻ sẽ thay đổi những hành động của mình để cha mẹ không phiền lòng và yêu chúng nhiều hơn.