Chuyện là thế này chị em ạ! Em vốn thể chất không được khỏe mạnh lắm (ví như chồng em thì người khô như cá mắm. Hồi bầu bí em hắt hơi, sổ mũi và quặt quẹo vô cùng. Chẳng biết có phải vì thế mà con em bị sinh non ở tuần thứ 34 không (?) và khi ra đời cũng cứ 'trái gió trở trời' là ho hen. Mỗi tiếng con ho, em nghe mà buốt ruột, lại tự trách mình đã không biết quý trọng sức khỏe để cố gắng tẩm bổ nhiều hơn vì con. Riêng khoản nuôi con, em dám chắc không ai vất vả bằng em luôn?! 3 tháng đầu tiên, em không biết đến ngủ đêm là gì vì phải bế cu cậu suốt. Chỉ cần mông khẽ chạm xuống giường là con đã khóc toáng lên. Và cứ ăn là trớ, ăn là trớ... Stress 'kinh khủng'! Rồi ốm vặt liên miên - hết tiêu chảy lại ho hen...Ôi, nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn còn cay.
Cũng may trộm vía, càng lớn sức đề kháng của cu cậu càng khá hơn. Nhưng nhìn chung mà nói, vẫn không là gì so với con người khác. Chăm con, em vụng thì vụng thật song cũng 'dắt lưng' một số bí kíp để đối phó với những cơn ho hen hay sổ mũi bất ngờ của con khi thời tiết thay đổi.
Hôm trước, em đọc Eva thấy có một số mẹ kêu than chuyện con ho, đưa đi bác sĩ kê đơn uống thuốc tây mà tình hình vẫn không khá hơn nên em mạo muội chia sẻ đôi ba cách trị ho em sưu tầm được và cũng đã áp dụng một số trong đó.
1. Cải cúc
Mùa này đang là mùa cải cúc nên chị em kiếm hoặc mua rất dễ dàng. Bài thuốc này em được cụ cố nội bày cho và đã áp dụng hiệu quả lắm.
Đơn giản, các chị chỉ cần một ít cải cúc và mật ong. Sau đó, cải cúc rửa sạch, thái nhỏ rồi thêm một ít mật ong vào hấp cách thủy trong vòng khoảng 20 phút. Cuối cùng, lọc lấy nước hỗn hợp trên và pha thêm một chút nước để đỡ đặc. Nên cho bé uống khoảng 3-5 ngày.
Lưu ý: Bài thuốc này hiệu quả nhất khi bé mới chớm ho.
2. Vỏ bưởi
Ngoài tác dụng giữ dáng, đẹp da tuyệt vời cho mẹ, vỏ bưởi còn là 'vị thuốc quý' giúp trị ho hiệu quả của con. Có lẽ không nhiều bà mẹ biết điều này? Mẹ chỉ cần lấy khoảng 10gr vỏ bưởi hấp cùng một chút đường kính và cho trẻ uống. Cách này em chưa thử nhưng có khá nhiều mẹ nói là áp dụng và thành công rồi.
3. Tía tô
Cách trị ho bằng lá tía tô làm hơi cách rách mất thời gian hơn nhưng đúng là 'cái gì cũng có giá của nó'. Hiệu quả tuyệt vời luôn. Nguyên liệu các chị em cần chuẩn bị là: lá tía tô, hoa khế, hoa đu đủ đực (cái này hơi khó kiếm) và đường phèn.
Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu đã rửa sạch vào bát sứ có ít nước lọc, đun cách thủy bằng lửa than, để sôi nhỏ lửa càng lâu càng tốt. Để nguội hoặc cho vào chai thủy tinh (không cho vào chai nhựa, không để vào tủ lạnh). Hằng ngày cho bé uống khoảng 1/2 thìa cà phê, uống theo cách thấm dần ở đầu lưỡi, từ ít đến nhiều.
4. Hành tây
Riêng cái 'vụ' trị ho bằng hành tây thì em mới 'sưu tầm' được. Tính bao giờ có dịp lôi con ra 'thử nghiệm' xem sao nhưng may mà trộm vía con dạo này khỏe nên mẹ chưa có cơ hội. 'Bí kíp' này em thấy một mẹ có nickname Hana chia sẻ rằng được hẳn một ông Tây hàng xóm bày cho. Em không biết thực hư thế nào? Nhưng thôi cứ 'share' cả ở đây cho các chị em 'kiểm tra' chất lượng.
Đầu tiên, các mẹ rửa sạch hành tây, gọt vỏ thái nhỏ vào bát. Tiếp tục cho 1 thìa cafe đường trộn đều ngâm cho ngấm 45-60 phút. Sau khi hành đã ngấm đường thì cho vào máy xay hoặc dã nhuyễn cho nát rồi vắt lấy nước, bỏ bã đi. Cuối cùng, cho ra cốc nhỏ và cho bé uống ngày 3 lần/ngày, mỗi lần uống 1 thìa cafe nhỏ.
Ngoài ra, em cũng muốn chia sẻ thêm tips nhỏ của bản thân mình là:
- Khi cho bé uống thuốc, bế bé lên sao cho đầu và cổ hơi cao so với bụng để tránh sặc, trớ, nôn. Khi cho bé uống, dùng tay vuốt từ mõm ức xuống rốn.
- Đây là những bài thuốc dân gian rất hay, nguyên liệu dễ kiếm mà cách chế biến cũng đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý các loại lá chữa ho thường chỉ có công dụng khi bệnh vừa mới phát, vi khuẩn còn “thường trú” vùng hầu họng. Những trường hợp ho, cảm lâu ngày, vi khuẩn đã “di cư” xuống phế quản, phổi (nghe tiếng ho có âm vang, sau cơn ho đau rát, có hoặc không kèm sốt) nên đi khám bệnh để dùng thuốc phù hợp.