Trong quá trình mang thai, hormone trong cơ thể phụ nữ sẽ có nhiều biến đổi, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh về răng miệng. Sự thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể làm cho nướu trở nên nhạy cảm với các mảng bám, vi khuẩn. Chính vì vậy, không chỉ những phụ nữ có tiền sử bệnh răng nướu mới cần chú trọng, phòng ngừa bệnh răng miệng trước mang thai là việc mà mỗi mẹ bầu tương lai cần lưu ý.
70% các mẹ bầu đều gặp vấn đề về răng nướu trong suốt thai kỳ. Thăm khám nha sĩ, “tút lại” sức khỏe răng miệng như xử lý răng sâu, vấn đề hôi miệng, cạo vôi răng… để có sức khỏe răng miệng tốt nhất trước mang thai là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, nếu bạn bị chảy máu chân răng, viêm lợi, sâu răng… có thể bạn phải sử dụng thuốc và điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Những căn bệnh răng nướu thường gặp cần điều trị trước mang thai:
1. Viêm lợi
Có thể bạn cho rằng, việc mang thai không liên quan gì đến răng nướu, thế nhưng 90% các bà bầu có triệu chứng viêm lợi. Đặc biệt với những phụ nữ đã có triệu chứng viêm lợi trước thai kỳ. Biểu hiện thường thấy là ngứa lợi, sung huyết, chảy máu. Hiện tượng này thường thấy từ tháng thứ 3 tới tháng thứ 8. Khi mang bầu, lượng estrogen trong cơ thể phu nữ tăng cao, dẫn đến hình thành tế bào bị viêm, đặc biệt là viêm nướu và dẫn đến nhiều bệnh răng miệng khác.
Các nghiên cứu cũng cho biết, nhiễm trùng nướu nghiêm trọng gây ra việc làm tăng sản xuất một chất có tên gọi là prostaglandin và chất gây hoại tử khối u, cùng các hóa chất khác dẫn tới việc kích thích chuyển dạ.
Giải pháp : Lợi sưng và đau khiến nhiều người sợ đánh răng, thế nhưng điều này sẽ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn. Bạn nên giữ thói quen chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Thăm khám bác sĩ nha khoa để có biện pháp điều trị phù hợp.
2. Sâu răng
Sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc răng. Nếu không được chữa trị, bệnh này có thể dẫn đến đau răng, rụng răng, nhiễm trùng và tử vong đối với những ca nặng. Các nhà khoa học cho rằng, những phụ nữ bị bệnh sâu răng có nguy cơ đẻ non cao gấp 3 lần so với những bà mẹ mang thai có sức khỏe răng miệng tốt. Họ cũng thống kê được rằng 25% số những phụ nữ bị bệnh sâu răng được điều tra, đẻ non trước tuần thứ 35.
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ thường hay cảm thấy buồn nôn từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Điều này khiến lượng pH trong nước bọt giảm đi, gây ra các bệnh răng miệng. Ngoài ra, chế độ ăn uống khi mang thai cũng làm tăng sự thèm ăn vào nửa đêm và sáng sớm. Nếu thai phụ không vệ sinh răng miệng cẩn thận sẽ tăng cao nguy cơ gây sâu răng.
Chính vì vậy, phát hiện sớm căn bệnh sâu răng trước mang bầu để chữa trị là vô cùng cần thiết.
Giải pháp: Nếu phát hiện sớm lỗ sâu răng khi chưa xuất hiện hoăc sâu răng chưa ăn sâu vào lớp ngà răng thì phần lớn bệnh sâu răng có thể được ngăn chặn bởi chính người bệnh mà không cần điều trị tốn kém. Vệ sinh răng miệng thường xuyên, hạn chế đồ ăn nhiều đường và tinh bột, sử dụng kem đánh răng chứa Fluor… sẽ ngăn cản sâu răng tiếp tục phát triển.
Khi răng đã có lỗ sâu cần sớm loại bỏ mô răng đã bị mủn, nhiễm khuẩn và phục hồi cấu trúc men răng bằng các vật liệu hàn răng, trám răng. Hàn vá lỗ sâu là phương pháp thường dùng nhất để chữa sâu răng.
Nếu như mẹ bầu bắt buộc cần trám răng trong thai kỳ, nên tránh khoảng thời gian 3 tháng đầu, vì đây là lúc bé đang phát triển các cơ quan trong cơ thể, mọi tác động xấu từ mẹ đều gây ảnh hưởng đến bé. 3 tháng cuối thai kỳ, bé lớn nhanh gây chèn ép khó chịu nên việc trám răng đòi hỏi đi lại và nằm lâu trên ghế cũng không thích hợp. Chỉ có 3 tháng giữa thai kỳ, là giai đoạn nhiều sản phụ có thể chịu đựng được các can thiệp như trám răng, nhổ răng, tiểu phẫu.
3. Ảnh hưởng của răng khôn
Nếu bạn bị viêm lợi trùm răng khôn trong thời kỳ mang thai sẽ gây nên đau nhức khó chịu, có thể gây sốt và viêm nhiễm.
Giải pháp: Khi bị viêm lợi trùm răng khôn trong quá trình mang thai, nha sĩ sẽ khuyến khích bạn nên cắt lợi trùm hoặc nhổ răng khôn sau ba tháng đầu tiên để tránh dùng thuốc giảm đau và uống kháng sinh kéo dài.
Để phòng ngừa trước mang thai, phụ nữ nên vệ sinh răng miệng tốt, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất như canxi và vitamin cho cơ thể. Các bạn cũng nên uống nhiều sữa và hạn chế dùng thực phẩm chứa đường. Khám răng định kỳ để phát hiện những dấu hiệu bất thường.