SỨC KHỎE » Chăm con

Cha mẹ xuất chúng cần dạy con cách sử dụng tiền mừng tuổi, lớn lên sẽ có tương lai tốt

Thứ sáu, 02/02/2024 08:24

Ngày Tết ngoài được ăn bánh mứt, trẻ nhỏ rất thích được nhận tiền mừng tuổi. Nhưng sau đó, cha mẹ cần dạy cho con cách quản lý và sử dụng số tiền này một cách đúng đắn.

Với người lớn, tiền mừng tuổi là câu chuyện "đồng tiền xoay vòng". Tiền từ túi cha mẹ mừng cho trẻ khác, sau đó bố mẹ trẻ đó lại mừng lại cho con bạn. Nhưng đó là logic của người lớn, trẻ con đương nhiên không quan tâm đến chuyện đó. Chúng chỉ biết: Người khác mừng tuổi con, vậy đó là tiền của con.

Nhiều cha mẹ có thói quen "thu" tiền mừng tuổi của trẻ con sau mỗi dịp Tết với danh nghĩa "giữ hộ". Cứ Tết này đến Tết khác, cho đến khi trẻ lớn dần. Khi trẻ còn nhỏ, chưa hiểu khái niệm về tiền, điều này rất đơn giản. Nhưng khi trẻ lớn lên, dần biết tiêu tiền, việc này có thể gợi cho trẻ nỗi ấm ức.

Tết đến nếu con được lì xì, cha mẹ hãy dạy con cách sử dụng đúng.

Nhưng bạn có biết, khoản tiền mừng tuổi đầu năm chính là công cụ tốt nhất để các bậc phụ huynh dạy con bài học đầu đời về tiền bạc, kỹ năng quản lý tài chính, tiết kiệm, chi tiêu. Dạy trẻ sử dụng tiền mừng tuổi đúng cách không chỉ tránh lãng phí mà còn là bài học nhân văn giúp trẻ biết quý trọng đồng tiền, công sức lao động và khơi dậy tình yêu thương, sẻ chia, tấm lòng nhân ái ở trẻ.

Trước hết, bạn nên coi khoản tiền mừng tuổi là phương tiện để dạy trẻ về đồng tiền. Cuốn sách "Rich Dad, Poor Dad" (Cha giàu, cha nghèo) của nhà văn Robert Kiyosaki cũng nhấn mạnh: "Nếu cha mẹ không dạy trẻ về tiền bạc và để chủ nợ, những kẻ trục lợi, thậm chí là những kẻ lừa đảo thay thế bạn dạy chúng, thì tôi e rằng chúng ta sẽ phải trả một cái giá không nhỏ".

Quá trình dạy con quản lý tiền không chỉ đơn giản là dạy con kỹ năng sống, mà còn là quá trình truyền tải cách thức sống cho con một cách vô hình. Trong quá trình này, không nên áp đặt mong muốn cá nhân lên con, cần cho trẻ quyền được kiểm soát số tiền mình quản lý và chịu trách nhiệm về những quyết định mình đưa ra. Như thế, trẻ mới hiểu và có ý thức hơn trong việc quản lý tiền mình làm chủ.

Đối với trẻ nhỏ (từ 3 - 5 tuổi) bạn có thể giúp con tìm hiểu về mệnh giá tiền.

Đối với những trẻ lớn hơn (6-8 tuổi) đã hiểu hoặc thành thạo các phép toán cơ bản, cha mẹ có thể cùng con tính toán số tiền cụ thể con có được trong ngày Tết. Cha mẹ có thể giúp con dễ hiểu hơn, bằng việc quy ra những vật dụng tương đương và hữu dụng mà số tiền đó có thể mua được (ví dụ với 1 triệu - con có thể mua được bộ sách khoa học, một bộ bút màu, một số sổ viết tay...).

Đối với những trẻ trên 9 tuổi và có ý thức cá nhân về đồng tiền rất cao, bạn có thể cùng con lập kế hoạch quản lý, chi tiêu số tiền đó sao cho thích hợp. Tùy theo điều kiện gia đình, ví dụ với gia đình kinh tế còn khó khăn, bạn có thể chia sẻ với con để trẻ tự phân chia tiền đó thành hai khoản: một khoản cho bản thân con, một khoản "phụ" cha mẹ.

Dạy trẻ cách quản lý:

Nếu số tiền bạn quyết định cho trẻ sử dụng là nhỏ (ví dụ vài trăm nghìn đồng), bạn có thể hướng con đến việc mua những món đồ thiết thực, phù hợp với nhu cầu học tập, sinh hoạt, thay vì mua những món không cần thiết.

Tuy nhiên, nếu số tiền mừng tuổi trẻ có được là lớn, bạn cần cùng con lập kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu phù hợp. Ví dụ, bạn có thể gửi tiền của trẻ vào một tài khoản riêng, mang tên trẻ. Một người bố chia sẻ trên mạng xã hội: "Tôi lập cho con một tài khoản ngân hàng. Sau đó, trong năm, nếu cháu muốn mua một món đồ gì đó đắt tiền, tôi sẽ cho con một phần, phần còn lại tôi yêu cầu con sử dụng tiền trong tài khoản ngân hàng của con. Cháu sẽ tự cân nhắc xem có nên mua món đồ đó hay không, vì điều đó đồng nghĩa với việc cháu sẽ phải rút một phần tiền trong "quỹ tiết kiệm" của mình ra. Nhờ thế cháu sẽ ý thức hơn về việc không chi tiêu hoang phí".

Theo các chuyên gia, việc cho trẻ tự có "quỹ tiền mừng tuổi" của mình rất cần thiết, bởi nhờ thế trẻ trải nghiệm những giá trị sau:

- Trẻ trải nghiệm ý nghĩa của sự tích trữ, tiết kiệm.

- Trẻ hiểu về khái niệm "ngân hàng": Khi cùng trẻ đi gửi tiền tiết kiệm, bạn cho con hiểu rằng gửi tiết kiệm ngân hàng là một hình thức đầu tư ít rủi ro, và các hình thức gửi tiền khác nhau có thể nhận được những lợi ích khác nhau. Thông qua đó, trẻ hiểu rằng tiền không chỉ được dùng để chi tiêu mà còn được đầu tư để gia tăng giá trị.

- Trẻ biết cách san sẻ, yêu thương: Nhiều cha mẹ khuyến khích con sử dụng một phần tiền mừng tuổi để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này giúp các con hiểu rằng tiền không chỉ là công cụ, nó không chỉ đáp ứng một nhu cầu cuộc sống của con người mà còn có thể mang lại hạnh phúc cho những người khác, thông qua việc cho đi.

Một phụ huynh trên cho biết, cô khuyến khích con chia tiền làm hai khoản, khoản thứ nhất gửi vào tiết kiệm, khoản thứ hai để quyên góp cho một hoạt động từ thiện nhân ngày đầu năm. Con cô đã rất hào hứng khi được hỗ trợ những người khó khăn hơn mình, bằng chính tiền cậu bé có.

Dạy trẻ cách quản lý tiền bạc cũng chính là bạn dạy trẻ đối mặt với sự thay đổi của cuộc sống. Khi trẻ làm chủ đồng tiền chúng có, chúng cũng sẽ dễ dàng làm chủ cuộc sống của chính mình.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới