SỨC KHỎE » Chăm con

Chăm sóc như thế nào để trẻ không bị cảm lạnh, viêm phổi khi trời lạnh? Đây là lời khuyên từ bác sĩ

Thứ hai, 20/11/2023 14:22

Nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc, trẻ nhỏ rất dễ bị ốm, cảm lạnh, mắc các bệnh hô hấp. Vậy phải làm thế nào mới đúng?

Cảm lạnh, mắc các bệnh hô hấo là một trong những bệnh lý thông thường ở trẻ em, nhất là khi trời lạnh.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển lạnh là điều kiện để virus sinh sôi nảy nở trong môi trường, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp. Khi cơ thể trẻ nhiễm lạnh, đường hô hấp trên là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên, gây viêm mũi, viêm họng, xoang... Từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản và phổi, viêm màng phổi... Trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu khiến cho các loại virus, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Nhiều sai lầm của cha mẹ trong cách chăm sóc khiến con bị cảm lạnh.

Theo bác sĩ, nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm trong cách chăm sóc dễ khiến cho trẻ bị các bệnh về đường hô hấp như: Mặc nhiều quần áo để giữ ấm cho trẻ nhưng không cởi bỏ bớt khi trẻ đùa nghịch bị ra mồ hôi; khi mồ hôi ngấm ngược vào quần áo khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn tới cách bệnh đường hô hấp. Hay khi trẻ bị ốm, nhiều cha mẹ lại kiêng tắm cho con vì sợ tắm dễ bị nhiễm lạnh, điều này không hợp lý bởi cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển, nhất là nếu trẻ chơi đùa sẽ ra mồ hôi rất cần giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, dù trẻ có bị sốt hay ho, viêm mũi, họng cha mẹ vẫn nên lau người, thay quần áo sạch sẽ hàng ngày cho con. Hoặc cha mẹ có thể tắm cho trẻ ở trong phòng ấm, tắm nhanh, lau người khô, mặc quần áo ấm sẽ an toàn cho trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ, nhất là các bệnh về đường hô hấp trong thời tiết lạnh, cha mẹ nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ; giữ ấm nhưng không để cho trẻ nóng quá, ra mồ hôi, nhưng cũng như không để trẻ bị nhiễm lạnh.

Bên cạnh đó, khi cho trẻ ra ngoài, cha mẹ nên mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang cho trẻ phòng nhiễm lạnh ở mũi, miệng, phổi; quàng khăn ấm, đeo tất tay, tất chân, đội mũ cho trẻ.

Trẻ cũng cần được bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp; ngoài việc cho trẻ ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, cha mẹ cũng cần bổ sung các loại vitamin hoặc những chất khoáng, ăn rau và hoa quả, uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn nếu có thể để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Trẻ cần được sống trong môi trường thông thoáng, cửa kín tránh gió lùa, phòng ngủ sạch sẽ. Nếu ở trong môi trường không khí bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp sẽ làm cho trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.

Biến chứng có thể gặp khi trẻ bị cảm lạnh

Viêm tai cấp tính: Đây là một biến chứng thường gặp. Nếu bé bị cảm lạnh mà không được xử trí đúng cách sẽ có thể dẫn tới viêm tai.

Lên cơn hen suyễn: Cảm lạnh cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc thở khò khè, tức ngực. Đối với cơ địa dị ứng có tiền sử hen thì cảm lạnh dễ làm khởi phát cơn hen, những triệu chứng của cảm lạnh cũng sẽ kéo dài hơn. Cha mẹ cần phải chú ý chăm sóc trẻ bị hen suyễn cẩn thận hơn trong mùa lạnh.

Viêm họng: Tình trạng cảm lạnh dẫn đến viêm họng thường gặp ở những trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi. Một số dấu hiệu cảnh báo như đau họng, sưng họng đỏ amidan, hay xuất hiện nốt nhỏ, màu đỏ vùng vòm họng,...

Viêm xoang: Cảm lạnh thông thường không đáng ngại, nhưng cũng có thể làm tắc nghẽn xoang mũi, từ đó tạo điều kiện cho virus có cơ hội được sinh sôi, phát triển trong dịch mũi và dần dẫn tới viêm xoang, nhiễm trùng xoang mũi.

Viêm phổi: Trong trường hợp bé gặp phải những triệu chứng như sốt cao, đổ mồ hôi, ớn lạnh,... mẹ cần phải đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tường San (TH) (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới