Ốm nghén là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ đặc biệt 3 tháng đầu và nó ảnh hưởng đến khoảng 80% phụ nữ mang thai. Ốm nghén có nhiều mức độ khác nhau, có những mẹ chỉ cảm thấy mệt mỏi, nôn ói 1-2 lần trong ngày nhưng cũng có những mẹ nôn ói cả ngày, không thể ăn uống được gì dẫn đến giảm cân trầm trọng.
May mắn là có rất nhiều cách hay giúp chị em bầu giảm bớt triệu chứng này. Nếu mẹ cũng đang "khổ sở" vì ốm nghén thì hãy tham khảo những "bí kíp" dưới đây:
Ăn ít nhưng đều đặn
Một trong những tác nhân gây nên buồn nôn/chóng mặt là xuất phát từ việc bị đói. Khi có thai, bà bầu thường đòi hỏi nhiều thức ăn hơn (để dành cho thai nhi) nên điều quan trọng là phải ăn các bữa ăn nhỏ với tần suất dày hơn bình thường để giữ lượng đường trong máu cân bằng, dạ dày không bao giờ bị đói.
Chỉ uống vitamin khi đã ăn no
Bà bầu cần vitamin nhiều hơn bình thường nhưng nếu uống vitamin khi đói cũng sẽ rất dễ bị buồn nôn. Đặc biệt, uống các viên sắt khi đói lại càng khiến bạn cảm giác khó chịu.
Uống ít nhất 1,5 lit nước mỗi ngày
Mất nước có thể gây ra tình trạng khử nước trong cơ thể làm bà bầu bị đau đầu, buồn nôn, chuột rút, phù nề và chóng mặt. Nước cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ vì tình trạng khử nước có thể kích thích dạ con co bóp, dẫn tới sẩy thai. Do đó, mẹ bầu cần uống ít nhất 1,5 lit nước mỗi ngày để cơ thể đủ nước và ngăn chặn nôn mửa. Ngoài ra, cũng nên uống từng ít một thay vì uống quá nhiều nước trong 1 lần. Các loại nước khoáng có gas có thể sẽ giúp dạ dày của bạn dễ tiêu hóa hơn.
Ngủ nhiều nhất có thể
Cơ thể bị suy yếu do kiệt sức sẽ làm giảm khả năng chống chọi buồn nôn, vì vậy mẹ bầu nên cố gắng ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm và nghỉ ngơi bất cứ khi nào cảm thấy mệt. Hạn chế căng thẳng vì ốm nghén có xu hướng nghiêm trọng hơn khi bạn mệt hay quá lo lắng, stress. Bên cạnh đó, để tránh chóng mặt, cố gắng từ từ rời khỏi giường vào mỗi sáng.
Ăn gừng/mứt gừng
Gừng là vị thuốc tự nhiên chống buồn nôn rất tốt. Hãy ăn gừng tươi, mứt gừng hoặc uống trà gừng mỗi khi bạn có cảm giác khó chịu, buồn nôn.
Uống vitamin vào buổi tối
Nếu bạn phát hiện mình khó chịu sau mỗi lần uống vitamin, ngay cả khi đã ăn no thì hãy thử uống vitamin vào buổi tối, trước khi đi ngủ (đương nhiên là sau khi ăn) để thử xem bạn có dễ chịu hơn không nhé!
Ăn hoặc ngửi chanh/hạt tiêu
Giống như gừng, hạt tiêu và chanh cũng có tác dụng rất tốt để làm dịu đi cơn buồn nôn. Hãy mang theo mình một vài hạt hạt tiêu, chanh hoặc gừng để ngửi và hãy uống trà chanh/trà gừng mỗi khi bạn cảm giác khó chịu.
Tránh ngửi các mùi gây buồn nôn
Mùi khó chịu (từ bất kể thứ gì bao gồm cả thức ăn) là một trong những nguyên nhân chính gây buồn nôn. Hãy tự mình ghi chép/chú ý tới các mùi gây buồn nôn cho bản thân mình và tránh xa các nguồn phát mùi này.
Ăn thức ăn giàu carbohydrates và protein
Hãy tin vào cơ thể của mình và lắng nghe xem cơ thể của bạn muốn ăn gì. Nhiều khi các bà mẹ hay ăn theo thói quen ăn nhiều thịt trong khi đó carbohydrates và protein mới thực sự giúp bạn có thể điều hòa được lượng đường trong máu, giảm các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt.
Đương nhiên, trong trường hợp bạn cảm thấy quá khó chịu thì nên hỏi ý kiến của bác sỹ. Khi nôn nhiều quá, bạn sẽ bị mất nước và có thể giảm cân, hạ huyết áp gây ra tổn hại cho thai nhi. Hy vọng rằng, với các phương thức tự nhiên nói trên, bạn có thể dễ dàng giảm được các cơn ốm nghén mà không cần dùng thuốc.