SỨC KHỎE » Chăm con

'Chánh Văn' Hoàng Anh Tú chia sẻ 5 điểm cha mẹ nhất định nên nhớ để được 'nhàn' trên hành trình nuôi con

Thứ tư, 22/03/2023 10:16

Nhiều bậc phụ huynh than thở rằng: 'Làm cha mẹ thời nay khó quá!' Vậy làm sao để được 'nhàn' trên hành trình nuôi dạy con?

Nhà văn Hoàng Anh Tú - cựu Chánh Văn của Báo Hoa Học Trò đồng cảm với những lo lắng của cha mẹ:

"Cha mẹ nào cũng có đến cả ngàn nỗi ước mong ở con dù ước mong đôi khi chỉ là mong con khỏe mạnh, tươi vui, ngoan ngoãn, nghe lời. Hay lớn hơn chút là học hành chăm chỉ, an toàn khi ra đường, phát triển thể chất và tâm lý bình thường.

Bé thì lo bé, lớn lên thì lo lớn hơn, thậm chí, con đến tuổi yêu lo con yêu sớm hại thân, yêu muộn lo ế. Nhiều “đứa trẻ” cưới vợ lấy chồng rồi vẫn khiến cha mẹ lo lắng khi thấy hôn nhân của con không được hạnh phúc. Vốn dĩ làm cha mẹ là công việc suốt đời vậy.

Càng yêu càng thương thì càng lo nhiều, xót nhiều. Ai dám buông tay mặc kệ con mình thế nào cũng được? Nói “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” được sao với con của mình?

Anh Chánh Văn: "Làm mẹ nhàn, ai chả muốn, nhưng đâu phải ai cũng làm được?"...

Vâng nhưng theo lời khuyên của anh Chánh Văn thì: "Muốn làm mẹ nhàn thì đừng nghĩ cực. Nhiều người mẹ đúng là nghĩ cực quá rồi. Không đến nỗi con điểm 9 là tra hỏi con 1 điểm còn lại con đánh rơi ở đâu? Nhưng chuyện lo lắng cho con thì nhiều lắm. Lo con chơi với bạn xấu mà lạc lối, bị dụ dỗ.

Thấy con nhịn ăn để giữ dáng thì xót xa. Con văng tục thì tá hỏa. “Cháu nó ở nhà ngoan lắm” thành câu châm biếm những bậc cha mẹ không quan tâm đến con cái nhưng cũng lại thành áp lực cho nhiều cha mẹ phải để mắt đến con mình nhiều hơn. Mà lục tin nhắn của con. Mà theo dõi, giám sát con. Mà không dám chiều chuộng con. Thậm chí, có khi còn không dám khen con vì sợ nó ỷ lại, chủ quan.

Nhưng làm mẹ nhàn thì đúng là đừng nghĩ cực". Và đây là 5 lời khuyên cha mẹ nên nhớ:

1. Là bắt đầu học cách tin vào con nhiều hơn để giảm bớt âu lo. Tin con càng nhiều, bất an, lo lắng sẽ giảm bớt đi.

2. Tận hưởng niềm vui làm mẹ nhiều hơn thay vì nghĩ đến trách nhiệm làm mẹ. Vui đi với những phút giây bên con, cho con thấy điều đó nhiều hơn được không? Để lũ trẻ tin rằng chúng là hạnh phúc của mẹ chứ không chỉ là mẹ nói vậy nhưng mắt mẹ nhìn mình toàn những lo lắng.

3. Hành trình lớn lên của con vốn không phải là 10 năm nữa nó sẽ thế nào mà là ngay lúc này nó đang thế nào? Là hiện tại, an trú trong hiện tại đi. Hãy nhìn thấy những hạnh phúc của lúc này với con mình, làm giàu mối quan hệ cha mẹ - con cái bằng những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ không bao giờ trở lại. Như bước đi đầu tiên của con, buổi café hai mẹ con, được vòng tay ôm nó…

4. Bớt đi những so sánh hay những tiêu chuẩn của xã hội bằng việc học hiểu con mình nhiều hơn thay vì chỉ đòi hỏi con phải thế này hay thế khác. Kỳ vọng nào cũng có thể thành thất vọng và áp lực cho cả 2 bên. Chỉ có hiểu con mình mới giúp mẹ biết được con mình năng lực đến đâu mà từ đó mới xây dựng được mục tiêu, lộ trình cho con.

5. Giảm tải áp lực cho con không phải là không cần con phải có trách nhiệm mà là hỗ trợ con nhiều hơn trên hành trình trưởng thành của con. Là con vẫn phải có trách nhiệm với bản thân cũng như với gia đình, cha mẹ. Đừng gánh hết nhưng cũng đừng chỉ đưa ra yêu cầu. Chỉ là có mẹ đồng hành và hỗ trợ con đạt được những điều đó. Bằng không chỉ mục tiêu con phải đạt được mà là cách chúng ta làm gì để đạt được mục tiêu đó. Việc đồng hành cùng con không chỉ giảm bớt áp lực cho trẻ mà còn giảm bớt áp lực cho bản thân mẹ cũng như tạo ra vô số những khoảnh khắc trưởng thành cùng con.

Làm mẹ nhàn vốn dĩ chỉ gói gọn trong việc tận hưởng hạnh phúc khi bạn làm mẹ và cùng con nhiều hơn. Khi bạn càng gắn kết với con hơn, bạn sẽ càng thấy làm mẹ nhàn hơn rất nhiều đấy, tin tôi đi!"

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)