Giai đoạn thích hợp nhất cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Ở thời kỳ này đã cần bổ sung chất béo thông qua các loại dầu. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ thắc mắc khi cho dầu ăn chỉ nên dùng dầu thực vật hay có thể cho ăn mỡ động vật kiểu mỡ lợn, mỡ gà... hay không?
Có nên cho bé ăn mỡ lợn ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm không?
Theo chuyên gia cha mẹ nên bổ sung mỡ động vật vào chế độ ăn của trẻ ăn dặm như mỡ gà, mỡ lợn... Đồng thời, cha mẹ cũng cần cân đối lượng sử dụng giữa mỡ động vật với dầu thực vật.
Chẳng hạn, với một em bé 9 tháng tuổi thì có thể bổ sung 10g dầu mỡ vào bát bột, cháo của con. Vậy, cha mẹ có thể chia ra 5g dầu ăn và 5g mỡ động vật để cân đối. Hơn nữa, việc này cũng giúp bát cháo, bột của con có vị ngon hơn.
Theo vị chuyên gia này, việc dùng mỡ gà sẽ tốt hơn mỡ lợn vì trong mỡ gà có chứa nhiều chất béo không no hơn mỡ lợn.
Cha mẹ nên dùng mỡ động vật để nấu đồ ăn cho bé.
Bên cạnh đó, mỡ động vật còn chứa vitamin D và tham gia vào việc cấu tạo màng tế bào thần kinh. Do đó, mẹ nên bổ sung mỡ động vật vào khẩu phần ăn của con. Mẹ có thể dùng mỡ lợn, mỡ gà, mỡ cá...
Trong mỡ động vật có nhiều cholesterol cần thiết cho cơ thể trẻ. Lượng vitamin A, D và axit arachidonic cũng rất dồi dào. Vì thế, trẻ cần được bổ sung cả dầu thực vật lẫn mỡ động vật với tỷ lệ tốt nhất là 1:1. Khi bé mới ăn dặm thì mỗi bữa cần cho 2,5ml dầu/mỡ.
Khuyến cáo của viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khẳng định: Trẻ càng nhỏ thì nhu cầu sử dụng chất béo càng lớn. Trẻ sơ sinh cần tới 50% năng lượng từ chất béo có trong sữa mẹ. Trẻ dưới 1 tuổi cần 40 - 50% năng lượng từ chất béo bao gồm sữa mẹ và thức ăn dặm.
Cụ thể: Với trẻ mới bắt đầu ăn dặm thì mỗi bữa ăn từ 1/2 thìa đến 1 thìa cà phê dầu mỡ (2,5-5ml).
Mặc dù rất tốt nhưng khi cho trẻ sử dụng mỡ, bạn nên lưu ý một số điều sau:
Cho trẻ ăn từng ít một rồi tăng dần để cơ thể trẻ tập làm quen. Nếu bé bị tiêu chảy sau khi ăn thì cần giảm lượng dầu mỡ xuống.
Không dùng các loại dầu, mỡ đã chiên rán thực phẩm rồi để cho bé ăn.
Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mà bạn mua cho bé, tránh tình trạng mua phải đồ trôi nổi kém chất lượng.
Không nêm muối vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi.
Những điều cần lưu ý kho cho con từ 6 đến 8 tháng tuổi ăn dặm:
Loại thức ăn: Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn sẽ là nguồn thức ăn chủ yếu của trẻ trong thời kỳ này. Kèm theo đó, các bà mẹ cũng nên đưa vào khẩu phần ăn dặm của trẻ trái cây xay nhuyễn hoặc nước ép hoa quả (chuối, lê, táo, bơ, đào...), các loại rau củ xay nhuyễn (cà rốt, bí, khoai lang nấu chín...), thịt xay (gà, lợn, bò), đậu phụ xay nhuyễn, một lượng nhỏ sữa chua không đường (lưu ý tuyệt đối không sử dụng sữa bò cho trẻ cho đến khi trẻ được 1 tuổi), các loại đậu xay nhuyễn (đậu đen, đậu gà, đậu lăng, đậu tây...) và ngũ cốc tăng cường chất sắt (yến mạch, lúa mạch...)
Lượng thức ăn: Ban đầu là một thìa cà phê trái cây, tăng dần lên 2 đến 3 thìa trong bốn lần cho ăn. Một thìa rau củ, tăng dần lên 2 đến 3 thìa trong bốn lần cho ăn. 3 đến 9 thìa ngũ cốc trong 2 hoặc 3 lần cho ăn
Mẹo cho trẻ ăn: Nhiều chuyên gia khuyến cáo các bà mẹ nên giới thiệu cho trẻ từng loại thức ăn một. Sau đó chờ hai đến ba ngày nếu có thể trước khi giới thiệu một loại thức ăn mới, đặc biệt là khi trẻ hoặc gia đình trẻ có người có tiền sử dị ứng với loại thức ăn đó. Các bà mẹ cũng nên ghi lại những món ăn, thời gian ăn cũng như lượng thức ăn vào sổ nhật ký theo dõi ăn dặm. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào khác thường, sổ nhật ký theo dõi ăn dặm có thể giúp họ dễ dàng xác định được nguyên nhân gây ra điều đó.