Các bậc phụ huynh luôn muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm. Do đó, trong quá trình mang thai, mẹ thường bồi bồ rất nhiều và ngày càng nhiều bé sinh ra với cân nặng khủng. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe không đánh giá cao việc trẻ chào đời với cân nặng lớn như vậy.
Chuyên gia cảnh báo: Sinh con nặng cân thì trẻ có nguy cơ mắc một hội chứng khi trưởng thành
Đối với bản thân trẻ sơ sinh, cân nặng từ 4kg trở lên, nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh rất lớn. Vì khi ở trong bụng mạch máu cung cấp cho em bé tốt, nhưng khi em bé sinh ra nhu cầu năng lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, do mới sinh nên khả năng bú của bé chưa đạt, vì thế em bé dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết và em bé suy hô hấp để lại nhiều biến chứng. Đây là lý do vì sao nhiều em bé sinh ra rất to, trên 4 kg nhưng vẫn phải gửi đi các khoa sơ sinh để theo dõi, bởi thực tế to nhưng không khoẻ.
Đường là thành phần cung cấp năng lượng chủ yếu cho não bộ bởi đặc tính chuyển hóa năng lượng rất nhanh, đáp ứng nhu cầu hoạt động nhanh, mạnh, liên tục của não. Do đó, nếu trẻ sinh ra đường huyết đã giảm có thể gây ảnh hưởng chuyển hóa tế bào não, để lại di chứng nặng nề của thương tổn thần kinh.
Bản thân em bé nặng cân lúc sinh có nguy cơ dễ bị sang chấn, đặc biệt là nguy cơ kẹt vai do con to. Với em bé bình thường, lúc sinh đầu em bé ra thân hình ra theo dễ dàng, nhưng em bé to thì tỷ lệ đầu và thân mình cũng to, vai to. Đầu em bé ra rồi nhưng vai to không ra được dẫn đến kẹt vai, bác sĩ sẽ phải cố gắng đưa em bé ra, lúc này bé có thể phải đối mặt với nguy cơ gãy xương đòn, ảnh hưởng thần kinh cánh tay, có trường hợp cháu bé phải tập 3 - 6 tháng để phục hồi tay về trạng thái bình thường.
Mới đây, tại Đại hội Tim mạch Quốc tế Vạn Lý Trường Thành (GW-ICC) tổ chức vào ngày 19/10/2020 vừa qua, Tiến sĩ Songzan Chen, công tác tại trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã công bố một nghiên cứu: "Những em bé sinh ra nặng cân có nhiều khả năng bị rối loạn nhịp tim khi bước vào tuổi trưởng thành".
Tiến sĩ Chen chia sẻ: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguy cơ rối loạn nhịp tim ở tuổi trưởng thành của trẻ sơ sinh có cân nặng lúc chào đời lớn, từ 4kg trở lên, cao hơn so với trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường".
Để đưa ra kết luận nói trên, tiến sĩ Chen đã cùng nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp ngẫu nhiên Mendel để phân tích 132 biến thể di truyền liên quan đến cân nặng khi sinh của 321.223 người. Tiếp theo, Tiến sĩ Chen tiếp tục kiểm tra dữ liệu của 55.114 người bị rối loạn nhịp tim thông qua Hiệp hội rung tâm nhĩ Trung Quốc. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phát hiện những người có cân nặng lúc mới sinh đạt 3,879kg đã có 30% nguy cơ mắc phải hội chứng rối loạn nhịp tim.
Tiến sĩ Chen nói: "Tuy rằng hội chứng rối loạn nhịp tim bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cân nặng lúc mới sinh, chiều cao và cân nặng lúc trưởng thành, nhưng dựa trên phương pháp luận, chúng tôi tin rằng giữa cân nặng khi sinh và hội chứng rối loạn nhịp tim có mối quan hệ với nhau. Bởi cân nặng lúc chào đời dự đoán chiều cao trưởng thành của trẻ và những người cao thường nặng cân và mắc hội chứng rối loạn nhịp tim".
Giáo sư Michel Komajda - Giáo sư danh dự về tim mạch của trường Đại học Paris Sorbonne (Pháp), cựu Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Châu Âu và Hiệp hội Tim mạch Pháp, cho biết: "Rối loạn nhịp tim hay còn gọi rung nhĩ là một căn bệnh nguy hiểm gây ra tình trạng đột quỵ bất ngờ, không kịp điều trị. Do đó, nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta giảm tình trạng người bị mắc bệnh rung nhĩ xuống bằng cách giảm số lượng trẻ sơ sinh nặng cân khi mới chào đời. Để làm được điều này, các mẹ bầu cần giữ cho bản thân không tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai".
Các chuyên gia khuyến cáo cân nặng lý tưởng nhất cho bé sơ sinh là từ 3 đến 3,3 kg. Ngoài ra, các mẹ bầu cần phải tập luyện thể dục thường xuyên nhằm giữ cho trọng lượng cơ thể trong tầm kiểm soát. Việc này không chỉ giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh hơn trong suốt thai kỳ, mà còn giảm nguy cơ con của bạn bị mắc phải hội chứng rối loạn nhịp tim.