SỨC KHỎE » Chăm con

Con mới sinh đã mọc răng, mẹ hoang mang không biết tốt hay xấu?

Thứ ba, 04/04/2023 16:06

Thông thường những em bé khi mới chào đời sẽ chưa mọc răng, tuy nhiên, vẫn có trường hợp sinh ra đã có một chiếc răng nhú lên, được dân gian gọi là "răng ngậm ngọc".

Mới đây, một người mẹ đăng ảnh con của mình mới sinh đã có răng. Cô chia sẻ: "Con chào các bác các cô ạ. Con được 1 tuần tuổi. Trước giờ mẹ con chỉ nghe nói răng ngậm ngọc thôi. Giờ mới thấy tận mắt con mình sinh ra ạ". Bên cạnh đó, người mẹ cũng xin lời khuyên vì không rõ con mọc răng khi sinh có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Em bé mới sinh ra đã có răng được gọi là "răng ngậm ngọc".

Cư dân mạng bình luận về trường hợp trẻ sinh ra đã có răng.

Răng ngậm ngọc là gì?

Theo quan niệm dân gian, những đứa bé đẻ ra đã có răng được gọi là răng ngậm ngọc. Bởi việc có răng khi mới sinh là điềm báo sẽ giúp gia đình giàu có. Bởi thế mà bố mẹ sẽ giữ gìn răng rất cẩn thận, nâng niu và mong sau này gia đình sẽ phát tài.

Răng sơ sinh có hại hay không?

Bình thường trẻ sinh ra thì chưa có răng, song có một số ít trường hợp trẻ mới sinh ra đã có răng (tên khoa học là natal teeth) hoặc mọc lên trong tháng đầu tiên sau khi sinh (neonatal teeth) được gọi là răng sơ sinh. Thường gặp răng sơ sinh ở vị trí răng cửa giữa HD, thỉnh thoảng ở răng cửa giữa HT hoặc răng hàm thứ nhất.

Thực tế, sự phát triển răng của trẻ được bắt đầu từ giai đoạn phôi thai nhưng khi đó là ở mức độ là mầm răng chứ chưa phát triển thành răng hoàn chỉnh. Sau khi sinh và phát triển, bé mới bắt đầu quá trình mọc răng. Nguyên nhân khiến trẻ ngay khi sinh đã mọc răng có thể là do sự lạc chỗ của mầm răng từ giai đoạn bào thai. Răng sơ sinh còn có thể gặp trong một số hội chứng liên quan đến bệnh toàn thân.

Thường những răng sơ sinh có hình dáng bất thường, men răng mỏng hơn bình thường hoặc bất thường và gây ra các ảnh hưởng như: Răng bị lung lay do chân răng ngắn có nguy cơ rơi vào đường thở gây dị vật đường thở; do lung lay gây viêm lợi xung quanh răng hoặc những chiếc răng mọc sớm cũng khiến trẻ bị ngứa, cắn qua cắn lại gây loét dưới lưỡi khó lành, gây khó khăn và đau cho mẹ khi cho trẻ bú.

Xử lý răng sơ sinh thế nào?

Răng mới sinh thường được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm sơ sinh. Lúc này, bé sẽ được chụp X-quang nha khoa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào liên quan đến răng mới sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu.

Nếu muốn nhổ luôn chiếc răng này cho bé thì biện pháp là phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ được thực hiện sau khi bé được ít nhất 10 ngày tuổi. Lúc này, bé đã có hệ vi khuẩn đường ruột, sản sinh vitamin K giúp máu đông lại. Vì thế, khi phẫu thuật chảy máu, cơ thể bé có thể cầm máu và lành vết thương tốt hơn.

Các gia đình có bé mọc răng sơ sinh thì nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa khám để quyết định có nhổ răng hay không và xem xét mức độ ảnh hưởng của răng với sự phát triển của bé. Nếu răng đã mọc chắc chắn và không có tác động gì đến bé thì không cần thiết nhổ răng.

Với những gia đình không muốn nhổ bỏ răng cho trẻ, bác sĩ khuyên, người nhà phải chăm sóc răng miệng cho bé bằng cách dùng khăn ẩm sạch lau nhẹ lợi và răng của bé. Thường xuyên kiểm tra lợi và lưỡi của bé xem có bị răng làm tổn thương không, có lung lay không để đảm bảo an toàn cho con.

Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)