SỨC KHỎE » Chăm con

'Con tôi ở nhà ngoan lắm!' - câu cửa miệng của nhiều cha mẹ khi con hư, chuyên gia tâm lý đưa lời khuyên

Thứ ba, 30/05/2023 21:46

Để tránh rơi vào tình cảnh không ai mong muốn khi chứng kiến con mình hư hỏng hay phạm tội lỗi 'tày đình', cha mẹ nên thức tỉnh với lời khuyên của anh Chánh Văn.

Nỗi ám ảnh của nhiều bậc cha mẹ trên hành trình nuôi dạy là... con hư. Không ít trường hợp chia sẻ trên mạng xã hội hay tivi, các bậc phụ huynh thốt lên: “Con tôi ở nhà ngoan lắm!”

Trước câu nói chua xót này, nhà văn Hoàng Anh Tú hay còn được biết đến là anh Chánh Văn nổi danh một thời của báo Hoa Học Trò. Hiện nay anh còn là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các chủ đề học đường, dạy con và gia đình... đã phân tích lý do tại sao cha mẹ lại nói câu này: "Con tôi ở nhà ngoan lắm” câu nói quen thuộc mà chúng ta hay nghe từ nhiều cha mẹ có con phạm lỗi. Quen đến mức nó thành trend mỗi khi người ta muốn chế giễu các bậc cha mẹ có con hư hỏng, đánh nhau, đua xe, cướp… Là người ngoài, chúng ta thật dễ dàng bật cười và tiện miệng như vậy. Con của người khác mà. Nhưng nếu đó là con mình?

"Con tôi ở nhà ngoan lắm!", là câu nói bất lực của cha mẹ khi con hư (Ảnh minh họa).

Tôi đồng ý rằng có những cha mẹ sinh con nhưng chẳng thành cha, thành mẹ. Bỏ bê con cái cho ông bà nuôi, cho xã hội dạy dỗ. Lại có những cha mẹ bản thân đã chả ra gì nên bỏ mặc con cái, thân mình chưa xong làm sao dạy dỗ được con. Hay những cha mẹ theo kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đẻ ra rồi thì nuôi thôi. Là nuôi đúng nghĩa. Như nuôi heo, nuôi thú cưng vậy.

Nhưng ngay cả đến những bậc cha mẹ thực sự yêu con, thực sự chăm sóc và muốn con thành người cũng có thể một hôm phải thốt lên: Con tôi ở nhà ngoan lắm! Bằng sự ngỡ ngàng khi con mình phạm những tội lỗi tày đình. Là thật lòng, không phải bao biện, không phải bênh vực. Họ cũng không ngờ con mình đã làm điều đó.

(Ảnh minh họa)

Trong inbox tôi nhận hàng ngày cũng có nhiều bậc phụ huynh như vậy. Không ngờ đứa trẻ ngày thường gọi dạ bảo vâng, ngoan ngoãn, hiền lành như nó mà có thể xem phim đen, bắt nạt bạn bè, đua xe hay tham gia các hội nhóm đen đúa trên mạng. Thậm chí, có cha mẹ bất ngờ đến shock và phải vào viện khi thầy cô hoặc cơ quan chức năng đưa ra những hình ảnh con họ phạm tội. Dường như nó là một con người khác, không phải con tôi.

Phải, bằng tình yêu thương của người cha, người mẹ, chúng ta không thể tin nổi việc con mình đã làm khi không có mặt mình. Và dù nó gây ra tội nghiệt gì đi nữa, có cha mẹ nào đủ lạnh lùng, vô cảm để yêu cầu cho con mình vào tù? Cha mẹ nào có thể “đại nghĩa diệt thân” tuyên bố “Con tôi sai, hãy bỏ tù nó đi”. Chẳng cha mẹ nào làm được điều đó đâu, trừ khi họ coi con họ như một gánh nặng cần phải trút bỏ đi, là nỗi xấu hổ cần phải khử ngay, là nhơ nhớp với đời họ. Nên cái câu: “Con tôi ở nhà ngoan lắm!”, nhiều khi không phải là một câu đổ lỗi cho xã hội, cho bạn bè xấu để “giữ” danh hiệu cha mẹ tốt đâu. Mà đôi khi, nó là sự bất ngờ, sự bất lực mà cha mẹ phải thốt ra".

(Ảnh minh họa)

Và để tránh việc làm con hư, theo anh, cha mẹ nên giữ kết nỗi với con. Bởi chỉ có "để tâm" với con cha mẹ mới có thể định hướng con trước những hành vi sai: "Để tôi chia sẻ thêm cho mọi người. Cũng từ inbox của tôi và 12 năm làm Chánh Văn của mình, tôi đã nhận được những lá thư như thế. Từ những đứa trẻ phải đóng nhiều vai trong chính cuộc đời của chúng. Là phải trở thành con ngoan trong mắt cha mẹ nên cha mẹ nói sai chúng cũng phải nghe mà không dám cãi vì “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, là vì “áo mặc sao qua khỏi đầu”… Lũ trẻ phải sống khác bản thân ngay cả với thầy cô.

Bởi kỷ luật của trường, bởi quyền lực của thầy cô. Có nhiều thầy cô (giám thị nhiều nhất), không cho trẻ cãi (phản biện) lại vì “Cô biết tỏng chúng mày rồi”, vì “đứa nào chả có hàng tỷ lý do”. Nên lũ trẻ lớn lên trong quá nhiều ức chế, cảm giác bị đối xử bất công, áp đặt. Nên lũ trẻ tìm đến chất kích thích, tham gia đua xe, đánh nhau… đôi khi cũng là để xả bớt những ấm ức mà chúng đang phải chịu. Là còn chưa kể, nhiều đứa trẻ, phải chứng minh với bạn bè mình nữa. Dù không muốn tham gia trận đánh nhưng “bạn bè phải là đồng đội” mà tham gia cùng, nhưng “mày hèn thế, kém tắm” mà phải tỏ ra yêng hùng nếu như không muốn bị loại khỏi “tầng lớp”… Nhiều đứa trẻ đã tâm sự với tôi rằng ước muốn lớn nhất của chúng chỉ là được sống thật một lần. Chúng cũng mệt mỏi khi phải sống theo những cái nhíu mày của mọi người xung quanh chúng.

(Ảnh minh họa)

Cuối cùng, tôi thật lòng mong các bậc phụ huynh, thay vì chỉ để mắt đến con, làm ơn, hãy để tâm đến chúng. Để mắt sẽ thấy cái sai của con. Để tâm sẽ biết làm sao để sửa sai cùng con. Để mắt sẽ thấy “con mình ở nhà ngoan lắm!” Để tâm sẽ nhận ra “Con mình cần gì khi bước ra ngoài xã hội”. Để mắt sẽ chỉ thấy “Con phải… Con phải…”. Để tâm sẽ nhận ra: “Chúng ta cần… Chúng ta nên…”. Đừng để đứt gãy những kết nối với con!"

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới