SỨC KHỎE » Chăm con

Đan Lê bật mí các mẹo nhỏ giúp con trẻ cai nghiện với YouTube, phụ huynh nên tham khảo

Thứ ba, 16/03/2021 15:57

Với kinh nghiệm chăm sóc hai cậu ấm, MC Đan Lê đã rút ra được rất nhiều điều trong việc uốn nắn cũng như giúp con không 'nghiện' YouTube.

Sau nhiều sóng gió, hiện tại MC/diễn viên Đan Lê đang có cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên đạo diễn Khải Anh. Cô và chồng đạo diễn có hai con trai lém lỉnh, đáng yêu. Hai bé đang trong tuổi ăn học, nghịch ngợm nên cũng như nhiều phụ huynh khác, Đan Lê cũng phải dành rất nhiều tâm huyết để uốn nắn.

Với những phương pháp áp dụng ngay từ khi con còn nhỏ, Đan Lê đã sớm hướng con không sa đà vào các video trên Youtube. Từ kinh nghiệm của mình, Đan Lê rút ra 7 lưu ý dưới đây:

MC Đan Lê gợi ý các bí quyết giúp trẻ không quá "nghiện" YouTube.

1. Cha mẹ hay ho hơn YouTube:

Con trẻ ở độ tuổi từ 0 - 6 và từ 6 - 12, ngoài việc cần cha mẹ chăm sóc, còn cần cha mẹ chơi như bạn. Sự gắn kết sẽ tỷ lệ nghịch với thời gian, cho đến khi con có nhiều mối quan tâm khác - ngoài cha mẹ.

Nếu chúng ta tự tin đã dành đủ cả chất và lượng khi bên con, tự tin chúng ta thú vị hơn các clip màu mè phát ra từ màn hình máy tính thì chắc chắn lũ trẻ sẽ thích cha mẹ hơn YouTube. Thật đấy!

Các bạn tin không, hai đứa nhỏ nhà mình, 1 đứa 9 tuổi, 1 đứa 6 tuổi mà lúc nào cũng kỳ kèo: Bố, mẹ chơi với con đi! Đọc truyện cho con đi! Kể chuyện cho con đi!… Mỗi khi chúng được chơi những trò (dù dớ dẩn) như: đóng băng, dựng lều, trùm chăn, giơ tay xem yêu ai, Pokemon, đào đất xây lâu đài… thậm chí là lau nhà, rửa bát … cùng cha mẹ đều là một phần thưởng đáng giá.

Hãy nâng cấp mình mỗi ngày! Với sự hiểu biết, cởi mở và sống động, chắc chắn chúng mình phải thú vị hơn một cái máy chứ!

2. Làm gương cho trẻ:

Kế này dùng đi dùng lại rồi. Nhưng không cách nào để tụi trẻ học theo nếu cha mẹ không làm gương cho chúng.

Gia đình mình rất lạc hậu với các thể loại kênh video trên internet. Không phải mình không thích, mình vẫn xem và học những thứ hay ho trên đó. Nhưng mình không lướt YouTube như một thói quen, một kênh giải trí… Vì nếu mình “nghiện”, mình không thể yêu cầu con ngó lơ nó được.

3. Hình thành thói quen từ nhỏ:

“Dạy con từ thủa còn thơ” thực sự có hiệu quả đấy các bố các mẹ ạ. Khá nhiều nguyên tắc mình tạo dựng từ sớm cho 2 bạn nhỏ đã trở thành thói quen. Nên đến giờ chỉ việc hưởng thành quả.

1 trong những nguyên tắc ấy là: Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử 30 phút mỗi ngày và hỏi ý kiến bố mẹ trước khi xem.

Nhờ thói quen này mà các bạn nhỏ nhà mình chỉ xem cho vui (khi được phép), nếu không xem cũng không vật vã, thèm khát gì cả.

4. Những đứa trẻ hành động:

Có nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ thường xuyên vận động sẽ ít bị thu hút bởi thiết bị điện tử. Mình nghĩ điều này đúng.

Với thiết bị điện tử, cụ thể là YouTube chúng chỉ có thể xem, nghe. Trong khi các môn thể thao, các hoạt động trong nhà, ngoài trời có thể kích thích mọi giác quan. 2 bạn nhà mình chơi rất nhiều các môn thể dục, thể thao: bơi lội, bóng đá, bóng rổ, litter gym, đạp xe, patin, chạy bộ, đuổi bắt, trốn tìm... Cái gì khiến các bạn ấy vui và toát mồ hôi là có thể kéo các bạn ấy ra khỏi màn hình máy tính.

Đan Lê cho các con chơi các trò vận động thay thế.

5. Từ chối quyền trợ giúp của YouTube:

Khi con không ăn - đừng mở YouTube

Khi con khóc nhè - đừng mở YouTube

Khi bố mẹ muốn yên thân - đừng mở YouTube …

Đến khi nào chúng ta dừng việc coi YouTube hay các kênh video trên internet như một trợ thủ, một cứu cánh thì lúc đó chúng ta có thể làm chủ các tiện ích này.

Chúng ta không thể vừa lấy YouTube làm “phần thưởng” cho lũ trẻ, để chúng ta có vài tiếng nghỉ ngơi rồi lại đòi hỏi con chúng ta tự động biết tránh xa những tác hại của nó. Như thế, thật là mâu thuẫn lắm!

6. Chuyển từ thụ động sang chủ động:

Nếu cho con xem YouTube hãy xem cùng con, cùng lựa chọn các chương trình thú vị và có ích. Trong lúc xem nên thảo luận, trò chuyện cùng nhau thay vì để trẻ thụ động ngồi xem mà không có người lớn hướng dẫn.

Mình hay cho tụi nhỏ xem TV hơn là YouTube (1 năm chắc chỉ vài lần) vì nội dung trên TV được kiểm soát tốt hơn. Nhưng kể cả xem TV thì mình cũng vẫn xem cùng con để cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, thân nhau hơn, lũ trẻ sẽ học được nhiều hơn so với tự xem 1 mình.

Với những dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ dài, mình sẽ mở list phim đạt các giải thưởng lớn và xem cùng con. 1 bộ phim dài 2 tiếng có thể được chia làm 2 - 3 lần để các bạn ấy đỡ mỏi mắt và mẹ đọc phụ đề cũng đỡ mệt.

Rất nhiều phim 13+ như: Một mình trên hoang đảo, Thuyết yêu thương (kể về cuộc đời Stephen Hawking), Apollo 13 ... các bạn ấy đều đã xem và có những cảm nhận rất sâu sắc. Đến nay các bạn nhỏ nhà mình đã có thể xem những bộ phim kinh điển cùng mẹ nhờ việc xem chủ động.

Khi các bạn nhỏ đã có nền tảng, biết cảm thụ và nhận thức, các bạn ấy sẽ tự biết đâu là hay đâu là dở các bố các mẹ ạ!

7. Đừng cấm cản, hãy chia sẻ:

Quan điểm của mình là: Thà con “hư” mà chịu chia sẻ, còn hơn là con “ngoan” mà giấu giếm mình. Để được thế thì đừng cấm cản điều gì mà không giải thích, nói rõ lý do. Việc đó chỉ càng khiến chúng tò mò, muốn khám phá và nói dối bạn nhiều hơn thôi.

Có vài lần 2 bạn nhỏ nhà mình đi học về và hỏi mẹ: Thử thách Momo là gì hả mẹ?... là gì? … ở lớp bạn A, bạn B kể …

Đừng nổi giận với những chia sẻ ngây ngô và có phần sốc óc của tụi nhỏ. Nếu có thể giải thích thì hãy trao đổi ngay. Thậm chí mô tả, phân tích trước rồi cùng xem trực tiếp để các bạn ấy hiểu và xây dựng bộ lọc.

Những gì các bạn ấy chưa đến tuổi hiểu, mình cũng nói lý do vì sao chưa nên tìm hiểu, bao giờ thì đến thời điểm ấy và có thể đưa ra các so sánh, hình tượng hơn.

Tóm lại, tụi nhỏ thích gì, nghiện gì phần lớn vẫn là do người lớn chúng ta đấy ạ! Tụi mình chịu “vất vả” tí (thật ra là sung sướng ấy, sau này lớn rồi có muốn, tụi nó cũng chẳng chịu chơi với mình đâu), dành thời gian bên con, thủ thỉ, ôm ấp nhiều nhiều chút và cùng con lớn lên.

Đừng để công việc, cuộc sống cuốn mất khoảng thời gian bên con và để con rơi tuột các ký ức trẻ thơ, các ông bà bô nhé!".

Thủy Chi (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới