Không ít bà bầu thắc mắc cách theo dõi cử động của thai nhi và nên bắt đầu từ thời gian nào. Việc theo dõi những cử động của thai nhi trong bụng mẹ cũng là cách để kiểm tra sức khỏe em bé. Vì vậy, các bà mẹ nên tập thói quen theo dõi cử động thai từ tháng thứ 4.
Cử động thai là gì?
Khi thai nhi có những chuyển động như xoay trở mình, tay, chân hay vận động toàn thân mà người mẹ cảm nhận được thì gọi là cử động thai (thai máy). Những cử động giống như nhịp gõ vào thành bụng hay cảm giác thai búng búng trong bụng mẹ là cử động thường thấy ở thai nhi. (Thai máy khác với cảm giác khi thai gò thường làm cho bụng bà bầu cứng lên hoặc méo lệch sang một bên). Cử động thai cũng báo hiệu tình trạng sức khỏe của thai. Khi số lần thai máy giảm báo động sức khỏe thai nhi đang kém. Khi thai nhi đột nhiên không còn máy hoặc máy yếu, có thể bạn bị suy thai hoặc thai gặp nguy hiểm.
Thời điểm thai máy
Các bà mẹ bắt đầu cảm nhận được những cử động đầu tiên của thai vào tuần thứ 20 của thai kỳ. Thông thường ở những tháng giữa thai kỳ, các cử động này không đều nhưng khi bước vào ba tháng cuối (từ cuối tuần thứ 27 đến tuần 32) sẽ cử động nhiều và đều đặn hơn.
Tốt nhất, khi mang thai đến tháng thứ 4, thai phụ nên tập thói quen đếm cử động thai thường xuyên để theo dõi sức khỏe thai nhi.
Nên kiểm tra 3 lần/ngày
Mỗi ngày, các mẹ nên đếm cử động thai khoảng 3 lần, chia đều cho khoảng thời gian sáng, chiều và tối. Đếm trong khoảng 1 giờ. Nên chọn những lúc nghỉ ngơi yên tĩnh để đếm cử động thai được chính xác , tốt nhất là sau các bữa ăn.
Thai nhi được xác định là khỏe mạnh khi cử động hơn 4 lần trong 1 giờ. Trong trường hợp thai máy chỉ khoảng 3 lần hoặc ít hơn 3 lần, bạn nên đếm lại thêm 1 giờ nữa để chắc chắn. Vì có thể thời gian bạn đếm lại là lúc thai nhi đang ngủ. Những lúc thực hiện đếm lại nên chọn nơi yên tĩnh, không suy nghĩ, lo lắng để việc theo dõi và đếm số lần thai máy được chính xác.
Nếu trong lần đếm tiếp theo mà thai nhi vẫn cử động khoảng 3 lần hoặc ít hơn 3 lần, đây có thể là dấu hiệu nghi ngờ sức khỏe thai nhi yếu. Lúc này người mẹ không nên chần chừ mà đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi được chính xác hơn.
Lưu ý thêm, khi thai nhi ngủ thường sẽ không có cử động thai. Thời gian ngủ có thể thay đổi từ 20 phút đến 1 giờ đồng hồ.