Hầu hết các em bé đều chào đời sau 9 tháng 10 ngày mang thai nhưng vì nhiều nguyên nhân mà có những thai nhi ra đời sớm hơn thời gian đó (trước 37 tuần), được gọi là sinh non. Trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, nhẹ thì ốm yếu, nhẹ cân, gặp vấn đề về hô hấp..., nặng thì phải ấp lồng kính thậm chí tử vong.
Để ngăn ngừa nguy cơ sinh non, mẹ bầu cần chú ý:
Chọn thời điểm lý tưởng mang thai
Lời khuyên đầu tiên các chuyên gia dành cho bạn là không nên mang thai quá liền nhau. Thời gian giữa 2 lần mang thai phải cách nhau ít nhất là 18 tháng. Nghiên cứu cho thấy rằng, mang thai quá gần nhau sẽ làm tăng nguy cơ sinh non và sảy thai ở mẹ bầu.
Tránh xa thuốc lá
Thuốc lá, ma túy và một số loại thuốc độc hại khác tốt nhất là nên tránh trong suốt thời gian trước và trong khi mang thai. Việc lạm dụng những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng rất xấu cho thai nhi và biểu hiện rõ nhất là làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân ở trẻ.
Khám thai thường xuyên
Việc đi khám thai thường xuyên và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ khoa sản là điều cần thiết để đảm bảo thai kỳ của bạn luôn luôn khỏe mạnh và dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế. Với bất cứ dấu hiệu gì không rõ nguyên nhân, bạn cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra kịp thời. Bí kíp ‘vàng’ để mẹ bầu tránh sinh non Chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp bà bầu giảm nguy cơ sinh non.
Nghỉ ngơi hợp lý
Điều này đặc biệt quan trọng với những chị em có tiền sử sinh non, sảy thai hoặc gia đình có người đã từng gặp triệu chứng này. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ sảy thai, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao điều độ sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Khám nha khoa
Bạn đã nghe nói bệnh răng miệng có thể dẫn đến hiện tượng sảy thai, sinh non chưa? Điều này là chắc chắn đấy bạn nhé. Những vi khuẩn gây bệnh sâu răng, bệnh ở nướu răng sẽ theo đường máu đi vào trực tiếp nhau thai và ảnh hưởng đến bào thai. Vì vậy, một lời khuyên lý tưởng dành cho bạn là nên đi khám răng miệng thường xuyên và định kỳ không chỉ trong thời gian mang thai và cả trước khi mang thai 6 tháng.