SỨC KHỎE » Chăm con

Dùng phao bơi đỡ cổ cho bé tập bơi có nguy hiểm không? Chuyên gia đưa ra lời khuyên

Thứ ba, 11/07/2023 15:17

Mùa hè, bố mẹ thường dùng phao bơi đỡ cổ cho trẻ nhỏ tập bơi. Vậy phao bơi đỡ cổ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con không?

Phao bơi đỡ cổ cho bé là gì?

Phao bơi đỡ cổ cho bé là loại phao được thiết kế riêng dùng để phục vụ các việc bơi của các bé từ 6 tháng tuổi trở lên. Loại phao bơi này được làm bằng cao su mềm. Khi dùng sẽ phải thổi khí vào bên trong để phao phồng lên.

Phao bơi đỡ cổ có tác dụng nâng đầu, đỡ cổ của bé lên khỏi mặt nước mà không ảnh hướng đến hoạt động của tay chân phía dưới. Một số sản phẩm còn có tay nắm giữ phao để giúp giữ cân bằng dưới nước. Các loại phao đều có miếng dán để điều chỉnh kích thước cho phù hợp.

Sản phẩm này hiện đang được bày bán rất nhiều trên thị trường với nhiều mẫu mã khác nhau. Giá phao cũng không cao, chỉ từ vài chục nghìn là đã có thể sở hữu một chiếc phao. Bởi vì giá rẻ và sự tiện lợi như vậy nên nhiều người thường mua để các con sử dụng.

Phao bơi đỡ cổ thường được bố mẹ mua dùng cho các bé từ 6 tháng tuổi trở lên (Ảnh minh họa)

Dùng phao bơi đỡ cổ cho bé có an toàn không?

Theo các chuyên gia cả ở trong lẫn ngoài nước thì việc dùng phao bơi đỡ cổ cho bé hoàn toàn không thoải mái và hữu ích như mọi người vẫn tưởng. Ngược lại, nó còn là vật dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (thuộc trường đại học Bách Khoa hà Nội) cho biết: "Những chiếc phao cổ hiện nay chủ yếu đều là phao kém chất lượng, có thể gây tổn thương da của trẻ khi dùng. Hơn nữa, phao bơi cổ chuẩn sẽ có thiết kế để ôm phần xương cằm của trẻ chứ không phải phần cổ dưới. Nhưng đa phần các thiết kế hiện nay đều không đúng chuẩn. Do đó khi dùng chúng có thể chèn vào đường thở, gây khó thở cho trẻ, vô cùng nguy hiểm".

PSG Kyrab Quinlan đến từ Trung tâm Y tế Đại học Rush của Mỹ cũng khẳng định: "Những chiếc phao đỡ cổ là cái bẫy chết người tiềm ẩn bạn đưa cho lũ trẻ".

Nhiều chuyên gia, giáo sư về y tế khác trên thế giới cũng nói về những nguy hại tiềm ẩn đằng sau những chiếc phao cổ dễ thương dành cho trẻ. Họ cho rằng, việc khóa đầu trẻ bằng một chiếc phao và để con nổi trên mặt nước là trái ngược hoàn toàn với bản năng bơi lội của trẻ. Những chiếc phao này sẽ gây áp lực lên phần cổ non nớt của con, khiến con không thoải mái và có khả năng gặp nhiều rủi ro hơn.

Phao bơi đỡ cổ tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)

Dùng phao bơi đỡ cổ cho bé sai cách gây ra những tác hại gì?

Hiểu sai về công dụng và cách dùng phao đỡ cổ cho bé sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt tới các con. Những tác hại của việc dùng phao đỡ cổ sai cách gồm:

Khiến bé hoàn toàn không thoải mái

Cho trẻ bơi và thỏa sức vùng vẫy trong làn nước là điều rất tuyệt vời. Nó không chỉ giúp bé tăng khả năng phản xạ, khả năng vận động mà còn tạo niềm yêu thích muốn tìm tòi khám phá thế giới; phát triển trí tuệ,…Tuy nhiên, việc mang phao bơi rồi thả con bồng bềnh giữa nước trái ngược hoàn toàn với tinh thần bơi lội dành cho trẻ sơ sinh.

Nhiều nghiên cứu chỉ rằng, việc để người bồng bềnh trong làn nước sẽ chỉ với người trưởng thành. Còn trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì việc này không tạo ra được cảm giác tương tự cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Điều các con thực sự muốn là được kết nối với cha mẹ. Khi dùng phao cổ bé sẽ sinh ra cảm giác bị cô lập, không an toàn. Đồng thời, khi bị cố định vùng cổ bằng chiếc phao cũng sẽ không thoải mái mà còn có thể gây tổn thương cho bé.

Tạo nên các tổn thương ngoài da

Ở nước ta hiện nay, đa phần các loại phao cổ cho trẻ em đều là loại có chất lượng kém, không an toàn khi sử dụng, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Các loại phao này thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa nhiều thành phần độc hại có thể ảnh hưởng đến trẻ. Chất liệu nhựa làm phao thường được thêm phụ gia, hóa chất dẻo có độc tố như BBP, TOCP,… Các chất này có khả năng gây dị tật; ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại biên nếu tiếp xúc nhiều.

Không chỉ vậy, những chiếc phao kém chất lượng sẽ rất cứng, đường viền may cũng không sắc nét. Trong khi đó da của bé lại rất mỏng manh và nhạy cảm. Nếu dùng phao cổ có thể bị trầy xước da, nhựa cứa vào cổ gây tổn thương cho bé.

Thậm chí nhiều chiếc phao có phần nút cài lỏng lẻo, dễ bị xì hơi; mối nối, nút cài không chắc,… cũng làm tăng nguy cơ gây hại cho trẻ khi sử dụng.

(Ảnh minh họa)

Ảnh hưởng đến vùng đầu và cổ của bé

Xương cổ, xương cột sống là những bộ phận dễ tổn thương nhất khi cho bé dùng loại phao này. Bởi trẻ sơ sinh cơ thể còn chưa phát triển toàn diện và rất non nớt. Vì vậy các đốt sống và xương đều rất mềm yếu nên tỷ lệ gây tổn thương cũng cao hơn.

Khi đeo phao đỡ cổ, bé sẽ bị kiểm soát đầu và cổ. Đồng thời, các dây chằng và cơ vùng cổ cũng bị căng ra. Những việc này sẽ vô hình gây cản trở sự phát triển dây thần kinh và thể chất có lợi cho bé.

Tăng nguy cơ ảnh hưởng đến cột sống của bé

Việc dùng phao bơi đỡ cổ cho bé thường xuyên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cột sống của con. Thông thường, cột sống của trẻ sơ sinh sẽ có hình chữ C. Độ cong cột sống sẽ được hình thành dần trong quá trình phát triển, giúp bé có thể ngồi, đứng và đi. Nhưng khi đeo phao cổ và thả nổi bé trong nước sẽ vô tình gây khó chuyển động phần đầu, lưng trên và cơ ngực. Đồng thời nó còn khiến mở rộng cột sống, tác động đến cơ lưng của bé.

(Ảnh minh họa)

Lưu ý khi cho bé dùng phao đỡ cổ

Phao bơi đỡ cổ cho bé sẽ hữu ích khi bạn hiểu đúng bản chất và sử dụng đúng cách. Do đó bạn cần lưu ý những điều sau:

- Cần đọc kỹ các thông tin liên quan đến phao đỡ cổ khi mua cho bé như chất liệu; nơi sản xuất; hướng dẫn sử dụng; khuyến cáo của nhà sản xuất,… để đảm bảo mua được phao đúng chất lượng và an toàn khi sử dụng cho bé.

- Tính toán kỹ kích thước trước mua phao cho bé. Cần căn chuẩn để khi bé dùng không bị mỏi cổ hoặc quá ngửa dẫn đến nhiều sự cố.

- Không sử dụng phao dưới nền nhiệt cao. Nếu thấy phao bị xì hơi hoặc có mùi nhựa tanh cần lập tức tháo ra, không cho bé sử dụng nữa.

- Thời gian cho bé bơi với phao đỡ cổ không được quá lâu. Thông thường chỉ khoảng 10 phút tùy vào tình trạng sức khỏe của bé.

- Bố mẹ cần theo sát bên cạnh trong suốt quá trình bé ở dưới nước. Cần quan sát kỹ các biểu hiện của con để có thể kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố.

Thùy Dương (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới