Hệ tiêu hóa giúp trẻ “nạp năng lượng” mỗi ngày. Nếu quá trình tiêu hóa diễn ra đều đặn và suôn sẻ, các cơ quan trong cơ thể trẻ sẽ thực hiện tốt các chức năng của mình, ngược lại, nếu hệ tiêu hóa bị trục trặc thì chắc chắn quá trình phát triển của trẻ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, để hệ tiêu hóa của con trẻ khỏe mạnh, các bậc phụ huynh cần nắm vững những đặc điểm sinh lý các cơ quan thuộc hệ này của con để từ đó biết cách chăm sóc con đúng và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện
So với người trưởng thành, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh thường có những đặc điểm rất khác biệt nên khi can thiệp dinh dưỡng cho con, phụ huynh phải hết sức lưu ý. Cụ thể là:
- Niêm mạc khoang miệng của trẻ rất mềm, mạch máu nhiều, tế bào tuyến nước bọt chưa phát triển, nước bọt tiết ra rất ít khiến niêm mạc tương đối khô, dễ tổn thương và nhiễm trùng, dẫn đến viêm.
- So với chiều dài cơ thể, thì thực quản của trẻ em dài hơn người lớn, nhưng lớp cơ trơn thành ống mỏng. Vì vậy, cơ chế nuốt thức ăn của trẻ chưa hoàn thiện.
- Niêm mạc dạ dày tiết a-xít chlohydrit và enzym ít hơn nên trong 6 tháng đầu sau sinh không tiêu hóa thức ăn dạng thô được. Dung lượng dạ dày trẻ sơ sinh vào khoảng 30-60ml, trẻ 3 tháng tuổi là 100ml. Thời gian tiêu hóa hết phụ thuộc vào loại thức ăn, thường cần 3-4 giờ. Cho nên các bậc cha mẹ cần chú ý khoảng cách thời gian cho ăn, không nên quá gần nhau.
- Thành ruột rất mỏng, hễ đường tiêu hóa nhiễm trùng thì chất độc dễ thông qua thành ruột xâm nhập vào máu, gây ra hiện tượng ngộ độc.
Đảm bảo sự phát triển của hệ tiêu hóa
Vì hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện nên nếu không chú ý vấn đề ăn uống, trẻ rất dễ mắc các rối loạn tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy, táo bón,… Để phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa cho con, phụ huynh nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Thành phần đạm dễ tiêu trong sữa mẹ sẽ giúp bé dễ hấp thu, không đầy bụng, sữa không bị ứ lại tại dạ dày, giúp giảm trào ngược và đau quặn bụng. Ngoài ra, sữa mẹ giàu alpha-lactalbumin sẽ giúp tăng cường miễn dịch đường ruột, chống sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh, giảm nguy cơ tiêu chảy. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể bổ sung các probiotic và prebiotic để hỗ trợ sự gia tăng các vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa của trẻ.