Nghiên cứu được công bố trên Human Reproductive, một trong những tạp chí y học sinh sản hàng đầu thế giới.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy mối liên hệ giữa mức độ tiêu thụ rượu dù rất nhỏ trong và trước khi mang thai với những thay đổi trên khuôn mặt của trẻ em.
Mặc dù việc tiêu thụ một lượng rượu đáng kể trong khi mang thai đã được chứng minh là có hại cho sức khỏe của trẻ, nhưng trước đây, người ta vẫn biết rất ít về tác động của việc uống một lượng rượu nhỏ, ngay cả trước khi mang thai đối với sự phát triển trên khuôn mặt của trẻ.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng khuôn mặt đóng vai trò như một “tấm gương sức khỏe” và những phát hiện này có thể chỉ ra một số vấn đề sức khỏe sâu xa hơn có liên quan đến việc người mẹ uống rượu trong thời kỳ mang thai.
Mối liên hệ từ lâu đã được thiết lập giữa việc uống nhiều rượu khi mang thai và chứng rối loạn phổ rượu ở thai nhi (FASD) dẫn đến những thay đổi trên khuôn mặt cũng như các vấn đề về phát triển thể chất và tinh thần của thai nhi.
Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết vẫn chưa rõ thai nhi có thể chịu được bao nhiêu liều lượng rượu một cách an toàn vì chúng không thể xử lý hóa chất đúng cách do gan chưa phát triển. Các quan chức y tế khuyến cáo phụ nữ hoàn toàn không nên uống rượu trong khi mang thai để giảm thiểu mọi rủi ro.
Hình ảnh của hơn 3.000 đứa trẻ 9 tuổi và gần 2.500 đứa trẻ 13 tuổi đã được đưa vào một thuật toán trí tuệ nhân tạo để xác định 200 điểm khác nhau trên khuôn mặt.
Các bà mẹ được phỏng vấn họ đã uống bao nhiêu trong và ngay trước khi mang thai; mức độ thường xuyên họ tiêu thụ nó và cho đến khi mang thai, họ có uống rượu hay không và uống bao nhiêu.
Giáo sư Gennady Roshchupkin từ Trung tâm Y tế Erasmus, Rotterdam giải thích: “Đối với nhiệm vụ này, chúng tôi đã phát triển một thuật toán dựa trên AI, thu thập hình ảnh 3D có độ phân giải cao của khuôn mặt và tạo ra 200 phép đo”.
“Chúng tôi đã phân tích những điều này để tìm kiếm mối liên hệ với việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh và chúng tôi đã phát triển các bản đồ nhiệt để hiển thị các đặc điểm khuôn mặt cụ thể liên quan đến việc uống rượu của người mẹ”.
Những bà mẹ không uống rượu trong ba tháng trước khi mang thai hoặc tại bất kỳ thời điểm nào trước khi sinh con là nhóm tiêu chuẩn và được so sánh với những phụ nữ uống rượu trước khi thụ thai nhưng dừng lại khi mang thai và những phụ nữ uống rượu trong suốt thời gian đó.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả những phụ nữ uống ít hơn 12 gam rượu mỗi tuần, tương đương với một ly bia 330ml hoặc một ly rượu vang 175ml, trong 3 tháng trước khi mang thai cũng sinh ra những đứa trẻ có khuôn mặt bị thay đổi.
Giáo sư Roshchupkin cho rằng có một mối quan hệ đáng kể giữa mức độ uống rượu rất nhỏ này trước khi mang thai và những thay đổi trên khuôn mặt của em bé.
“Chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh và hình dạng khuôn mặt ở trẻ 9 tuổi”, Ông Xianjing Liu, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết.
“Các bà mẹ uống càng nhiều rượu thì càng khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng”, ông Xianjing Liu nói thêm.
Thuật toán AI phát hiện ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc với rượu khi còn trong bụng mẹ có nhiều khả năng có đầu mũi hếch, mũi bị ngắn lại, cằm hếch và các vùng liên quan đến mí mắt dưới hếch vào trong.
“Tấm gương sức khỏe”
Những thay đổi đã mờ dần và hệ thống máy tính không thể phát hiện được vào năm đứa trẻ 13 tuổi. Các nhà khoa học nói rằng ngay cả khi đứa trẻ 9 tuổi, sự khác biệt sẽ không thể nhận thấy bằng mắt người.
Giáo sư Roshchupkin cho biết khuôn mặt là “tấm gương sức khỏe” vì nó phản ánh sức khỏe tổng thể của một đứa trẻ và nghiên cứu này chỉ ra rằng việc tiếp xúc với rượu có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Theo ông Roshchupkin, “điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng khuôn mặt chỉ phản ánh sức khỏe tổng thể”.
“Vì vậy, điều đó có nghĩa là cùng với những khác biệt trên khuôn mặt, có thể có một số tác động khác của rượu đối với sức khỏe. Tất nhiên, chúng tôi không biết chắc chắn về điều này, nhưng tốt hơn hết là các bà mẹ nên hết sức cẩn thận và chúng tôi cần nghiên cứu thêm về điều này”, ông Roshchupkin nói.
“Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không có mức tiêu thụ rượu an toàn trong thời kỳ mang thai và nên ngừng uống rượu ngay cả trước khi thụ thai để đảm bảo kết quả sức khỏe tối ưu cho cả người mẹ và thai nhi đang phát triển. Cần nghiên cứu thêm về cơ chế liên kết để hiểu đầy đủ về sự tác động này”, ông nói thêm.