SỨC KHỎE » Chăm con

Không phải đánh đòn, đây là 10 phương pháp hiệu quả triệt để khi con đột nhiên cứng đầu, giận dữ, cáu gắt và ăn vạ

Thứ hai, 24/04/2023 11:40

Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ, nhưng đôi khi thật khó để tin rằng chúng ta có liên quan gì đến sự bộc phát cảm xúc của chúng. Nhận biết các kiểu hành vi của trẻ và đối phó với chúng có thể là một nhiệm vụ khá khó khăn, ngay cả đối với các bậc cha mẹ có kinh nghiệm.

Sau đây là 10 phương pháp hiệu quả triệt để đối phó khi con đột nhiên cứng đầu, giận dữ, cáu gắt và ăn vạ.

Chỉ cho trẻ thấy luật nhân - quả

Trẻ cần phải được nhìn thấy những hậu quả do hành vi của mình gây ra để nhận ra rằng chúng đã làm sai điều gì.

Cha mẹ không nên cố gắng ngăn chặn những hậu quả sẽ xảy ra bởi hành vi của trẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bỏ mặc con trong những tình huống nguy hiểm. Điều quan trọng cha mẹ cần làm là đứng đằng sau hỗ trợ và sẵn sàng đối phó những hành vi mà trẻ đã gây ra.

Ví dụ như nếu trẻ không chịu ăn bữa trưa, chúng sẽ phải nhịn đói cho đến khi ăn tối. Nếu đứa trẻ bắt nạt bạn thì sẽ không có ai muốn chơi với chúng cho đến khi chúng xin lỗi.

Để con học hỏi từ những sai lầm

Cha mẹ đôi khi có thể bảo vệ con quá mức, vì vậy điều quan trọng là phải dạy con khắc phục hậu quả do hành vi của chúng gây ra và rút kinh nghiệm từ đó.

Cha mẹ nên giúp trẻ xử lý cảm xúc và giúp chúng một tay nếu cần, nhưng không nên can thiệp quá nhiều vào quá trình sửa lỗi của trẻ. Hãy để trẻ tự tìm cách ứng xử thích hợp như xin lỗi hoặc nhờ cha mẹ giúp đỡ một cách lịch sự.

Ví dụ như khi trẻ không làm bài tập đúng hạn để nộp cho cô giáo. Thay vì thức khuya cùng làm bài giúp con, hãy để trẻ bị điểm kém và tìm ra cách khắc phục tình hình, như việc lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các bài tập lần sau.

Tìm hiểu nguồn gốc hành vi xấu của con

Con bạn có thể nổi cơn thịnh nộ hoặc hành động tức giận không phải vì tính khí thất thường mà vì chúng chưa biết cách đối phó với cảm xúc của mình.

Bố mẹ hãy giải thích với con, các loại cảm xúc khác nhau của con người là hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta cần phản ứng với những cảm xúc đó theo cách chấp nhận được. Bên cạnh đó, bố mẹ hướng dẫn cho con cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực trong tương lai.

Ví dụ khi bố mẹ đi mua sắm với con, nếu đột nhiên con cáu gắt mà không có lý do rõ ràng thì tốt nhất bố mẹ nên đưa con ra khỏi nơi đó và tìm hiểu nguyên nhân. Con có thể đói, mệt hoặc chán và không kịp thích ứng được với cảm xúc của mình.

Cha mẹ phải làm gương cho con

Nếu con có hành vi không tốt, bố mẹ hãy hết sức bình tĩnh. Nên nhớ, bố mẹ là người lớn, và người lớn không thể bị cuốn theo sự kích động của trẻ nhỏ.

Ngay khi cảm thấy mình sắp "bùng nổ" thì cha mẹ hãy hít thở thật sâu, đi uống nước lạnh, thậm chí là đi tắm để cho bản thân và con trẻ cùng có cơ hội được điều chỉnh cảm xác của mình. Khi đã hạ nhiệt, cha mẹ hãy trò chuyện với con.

Ví dụ: Khi trẻ mè nheo đòi ăn thêm bánh kẹo ngọt, nhưng bạn biết rằng ăn nhiều đồ ngọt không tốt, nó không chỉ gây nguy cơ sâu răng, béo phì mà còn khiến trẻ dễ bị kích động và thay đổi tâm trạng. Thế nên, thay vì cấm đoán, la mắng, bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu là chỉ nên ăn một miếng bánh nhỏ thôi, chúng ta còn phải dành thời gian chơi cờ với nhau nữa chứ.

Chọn hình phạt tương ứng với từng lứa tuổi của trẻ

Khi trẻ sai, cha mẹ phạt là chuyện nên làm. Song, không phải lúc nào cũng áp dụng một mức phạt giống nhau cho tất cả các trẻ. Tùy vào từng độ tuổi, cha mẹ nên có những hình thức phạt khác nhau.

Chẳng hạn nếu trẻ mới 1 tuổi mà bố mẹ ngồi trách mắng những 1 tiếng đồng hồ thì tất nhiên trẻ sẽ chẳng tiếp thu và sửa chữa.

Đừng bao giờ đe dọa hay đánh đập trẻ

Bố mẹ đừng bao giờ dọa nạt cũng như áp dụng các hình phạt thể chất với con. Lạm dụng tình cảm và thể chất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ và có thể gây ra các vấn đề tâm lý trong tương lai.

Tùy vào độ tuổi, bố mẹ có thể đưa ra một số hình phạt cho trẻ như tước đi đặc quyền, chẳng hạn không được xem tivi, không được chơi máy tính,..

Hãy tôn trọng ý kiến của con

Đôi khi, trẻ cảm thấy áp lực khi phải hành động theo khuôn mẫu nhất định để trở nên hoàn hảo trong mắt bố mẹ. Vì vậy, trẻ bắt đầu phản kháng để thể hiện sự độc lập của mình.

Nếu bố mẹ cảm thấy không thể đi đến thỏa thuận về những vấn đề đơn giản nhất với con thì đã đến lúc bạn nên cho con được góp phần vào việc đưa ra các quyết định.

Bố mẹ không nhất thiết phải làm theo mọi lời nói của con, nhưng việc đánh giá cao những ý kiến đó sẽ khiến con thấy mình được bố mẹ tôn trọng hơn.

Bố mẹ cần có quan điểm thống nhất

Bố mẹ cần có cách tiếp cận con ổn định, đồng thời giữ quan điểm thống nhất về những điều đúng, sai. Trẻ em cần biết các quy tắc và hiểu những hành động không được chấp nhận bất kể hoàn cảnh nào. Và bố mẹ phải giữ lời, đồng thời là tấm gương cho con cái noi theo.

Cho con thấy bố mẹ có thẩm quyền hơn

Bố mẹ cần cho con thấy, mình có thẩm quyền hơn, và những ý kiến của bạn đôi khi tuy có khắc nghiệt nhưng đều là vì tốt cho sức khỏe cũng như hạnh phúc của con.

Trẻ phải cảm nhận sự tự tin của bố mẹ và xem bố mẹ là hình mẫu mà trẻ hướng đến. Có như vậy thì con mới chịu lắng nghe và tiếp thu.

Dạy trẻ đánh giá cao những điều tốt đẹp đang có

Cha mẹ luôn nỗ lực để mang lại những điều tốt đẹp nhất có thể cho con, nhưng đôi khi con lại không đánh giá cao những điều này. Và điều bố mẹ cần phải làm là dạy cho con thực hành lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ.

Tùy vào độ tuổi mà bố mẹ sẽ có cách dạy con biết ơn khác nhau. Ví dụ như với trẻ mẫu giáo, bố mẹ có thể trẻ cách nói cảm ơn mỗi khi được mua cho món đồ gì đó. Với trẻ cấp 1 thì việc cố gắng học tập tốt cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với bố mẹ.

Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới