Thực tế, nhiều bé cứ trung bình mỗi tháng lại có vết thương miệng một lần. Thật may mắn là đa phần những thương tích này đều nhỏ và dễ điều trị (dù có chảy máu).
Tại sao bé lại bị chấn thương ở miệng?
Những kiểu vết thương như cắn trúng miệng, cắn trúng lưỡi ở trẻ em giống như một phần trong danh sách “những điều phải làm trước khi lớn”, chỉ sau dập đầu gối và cụng đầu. Khi những chiếc răng sữa nhú lên khỏi nướu là bé đã có ngay một món đồ nguy hiểm treo biển “sắc nhọn” luôn bên mình rồi.
Do mô vùng miệng rất mềm, bé có thể dễ dàng bị thương khi đang tập nhai, hay ăn mà không tập trung, vừa ăn vừa di chuyển,… Ngoài ra, không thể tránh khỏi những lần bé trượt ngã, nhào lộn làm răng cắn vào môi hay lưỡi, hoặc đập miệng vào vật khác.
Mẹ phải làm gì khi bé bị chấn thương miệng?
Thông thường, những chấn thương miệng ở trẻ em nhìn có vẻ tồi tệ hơn thực tế. Do khu vực quanh miệng có rất nhiều mạch máu mà chỉ cần một vết cắt nhỏ cũng đủ khiến bé chảy rất nhiều máu. Cũng vì vậy, không dễ dàng xác định xem đâu là nguồn chảy máu. Mẹ cần phải hết sức bình tĩnh (dù mẹ rất sợ máu đi chăng nữa) bởi rất có thể mẹ chỉ đang đương đầu với một vết thương nhỏ mà thôi. Thêm vào đó, bé đang rất sợ, việc mẹ nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sẽ giúp bé bớt sợ hơn. Khi đã lấy lại được tâm trí, mẹ xử lý vết thương miệng cho bé theo các bước sau để cầm máu, giảm đau, phòng ngừa nhiễm trùng và chữa lành vết thương:
1. Cầm máu:
- Đối với các vết thương phía ngoài miệng hay lưỡi, mẹ cần dùng một miếng gạc hoặc khăn sạch (đã được làm ướt với nước lạnh), đè nhẹ nhàng lên chỗ chảy máu càng lâu càng tốt. Lý tưởng nhất là đè khoảng 10 phút, nhưng thực tế bé sẽ giãy giụa nhiều vì đau và sợ. Mẹ cần tìm cách dỗ dành để bé bình tĩnh lại và tiếp tục đè cầm máu.
- Đối với các vết thương ở trong miệng (môi trên hay môi dưới), mẹ nhẹ nhàng đè chỗ môi bị chảy máu lên phần răng hay nướu của bé trong khoảng 10 phút hoặc càng lâu càng tốt. Tránh kéo môi bé ra kiểm tra thử vì làm như vậy máu sẽ chảy trở lại.
2. Đánh lạc hướng bé
Nếu có thể, mẹ hãy mở một đĩa DVD hoặc một kênh chương trình bé yêu thích nhằm làm bé phân tâm. Bé ngồi yên càng lâu cho mẹ xử lý vết thương thì máu càng nhanh ngừng chảy.
3. Làm mát
Để giảm đau và giảm sưng, mẹ có thể dùng một túi nước đá hoặc rau củ đông lạnh áp vào chỗ chảy máu. Nếu được, mẹ có thể cho bé mút kem lạnh khi vết thương trong miệng không quá lớn.
4. Dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết
Thường thì vết thương miệng sẽ không làm bé đau quá lâu. Nhưng nếu bé vẫn khó chịu nhiều, mẹ có thể cho bé dùng một ít thuốc giảm đau. Đương nhiên, chỉ dùng khi cảm thấy thật sự cần thiết và nên có sự thông qua của bác sĩ.
5. Cho bé ăn cẩn thận
Khi vết thương đang lành dần, những thức ăn cho bé nên được nêm nhạt một chút, tránh các món có tính a-xít như nước cam hay quá mặn như nước mắm. Các món ăn mềm, dễ nhai sẽ giúp bé cảm thấy bớt khó chịu. Lúc này, kem lạnh vẫn sẽ giúp làm dịu vết thương của bé. Ngoài ra, khi máu đã hết chảy một thời gian, mẹ có thể cho bé súc miệng bằng nước hơi ấm sau khi ăn để thức ăn không bám vào vết thương. (súc miệng sớm bằng nước ấm có thể làm máu chảy trở lại).
6. Đợi vài ngày
Vết thương miệng dù nhỏ cũng mất khoảng 3 đến 4 ngày để lành lại.
Khi nào mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ?
Mẹ có thể dễ dàng xử lý đa số các vết thương miệng của bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ:
- Chảy máu nhiều, không cầm sau 10 phút đè ép.
- Bé giãy giụa nhiều, mẹ không đè gạc được và máu chảy rất nhiều.
- Vết cắt sâu, vết rách mở mép hoặc vết rách dài hơn 1cm.
- Có mảnh vỡ hoặc bụi bẩn trong vết thương.
- Vết thương xuyên thủng vòm miệng, cổ họng hoặc a-mi-đan (ví dụ như khi bé ngã mà đang cầm bút) có thể làm tổn thương sâu đến các mô ở đầu, cổ.
- Vết thương gây ra bởi những vật bẩn hoặc gỉ (nhất là khi mẹ không chắc về việc bé được tiêm ngừa uốn ván hay chưa).
- Vết thương do bị người hay động vật cắn .
- Mẹ nghi ngờ có gãy xương (ví dụ như bé không thể di chuyển hàm hoặc gò má bé sưng lên).
- Răng bé bị gãy hay vỡ ra (đem theo răng của bé đến gặp nha sĩ để được điều trị). Mẹ có thể xem cách bảo quản răng khi đem đến bệnh viện tại đây.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đỏ, đau tăng nhiều, sốt) trong vài ngày đầu sau khi bị thương.
Phòng tránh để bé không bị chấn thương miệng
Dù mẹ có tìm mọi cách ngăn không để bé bị thương thì vẫn rất khó tránh khỏi một lần như vậy. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ giảm đi nếu mẹ thực hiện các cách sau:
- Hạn chế không để bé bị té (như dùng thảm chống trượt trong nhà), bao các góc sắc như cạnh bàn, cạnh cửa,…
- Tập cho bé đi vững trên chân trần, hạn chế mang vớ cho bé khi chưa đi vững.
- Không để bé cầm vật sắc nhọn khi đang đi, chạy.
- Không để bé đi hay chạy mà có đồ chơi trong miệng.
- Tập cho bé thói quen ngồi vào bàn khi ăn.
- Cho bé ăn các phần ăn nhỏ. Như vậy, bé sẽ không cố cho thật nhiều thức ăn vào miệng, tăng khả năng cắn vào miệng hay lưỡi khi đang nhai.
- Khi không ở bên cạnh, mẹ nên đặt bé vào xe tập đi hay xe đẩy để tránh té ngã, gây ra chấn thương miệng cũng như các nơi khác trên cơ thể.