Em là một bà mẹ tuy không còn trẻ về tuổi nhưng lại còn quá trẻ về kinh nghiệm bầu bí và nuôi con. 29 tuổi em mới lập gia đình, vì tuổi cũng đã "cứng" nên sau khi cưới vợ chồng em cũng muốn có em bé luôn. Thật may mắn và hạnh phúc là ước nguyện của vợ chồng em đã thành hiện thực. Mới một tháng sau khi cưới em đã phát hiện mình dính bầu. Khỏi phải nói vợ chồng em và hai bên gia đình vui đến mức nào. Bởi trước đó, mọi người cứ lo lắng em “gầy quá thế này thì khó mà dính bầu sớm được”.
Từ khi có bầu, trộm vía em không bị nghén lên nghén xuống như một số mẹ, ngược lại em lại ăn được và ăn rất ngon miệng. Cũng chính vì không nghén, ăn uống lại ngon miệng nên dù mới mang bầu mà em đã mập mạp lên trông thấy. Thấy thế, mọi người trong nhà vui lắm nên ra sức tẩm bổ cho em với mong muốn cả hai mẹ con cùng béo khỏe. Nhưng chỉ được tháng đầu, tháng thứ hai em lại không hào hứng với những món ngon mà cả nhà tẩm bổ cho mình mà quay ra chỉ nghén đồ ngọt. Em bắt đầu trở thành một người cuồng đồ ngọt đặc biệt là món chè và nước mía mặc dù khi còn con gái em lại không thích đồ ngọt chút nào.
Vì nghĩ rằng đồ ngọt cũng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, hơn nữa mỗi khi được ăn một hai cốc chè yêu thích em thấy cơ thể khỏe khoắn, sảng khoái hẳn, không còn cảm giác mệt mỏi của tình trạng bầu bí nữa. Em lại nghĩ rằng ăn đồ ngọt cũng giúp tăng cân nhanh cho mẹ, mẹ béo khỏe thì mới mong bé khỏe mạnh. Nghĩ thế nên em duy trì ăn món chè yêu thích đều đặn và những lúc mệt mỏi thèm ăn đồ ngọt, em đã không băn khoăn mà ăn uống thả ga.
Quả là đồ ngọt có tác dụng tăng cân nhanh thật! Em tăng cân vù vù tuy nhiên cùng với việc tăng cân em không thấy mình khỏe khoắn mà lại cảm thấy mệt mỏi kèm theo những triệu chứng giống như phù vì giữ nước, cơ thể luôn nóng bức, khó chịu. Các mẹ biết rồi đấy, bầu bí đi tiểu nhiều mà dạo đó mỗi lần đi tiểu em đều cảm thấy đau rát. Em lo quá liền đi khám bác sĩ. Qua thăm khám, bác sĩ yêu cầu em trả lời rất kỹ về chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi của em rồi kết luận. Tất cả các triệu chứng của em là biểu hiện của cao huyết áp, giữ nước gây sưng phù. Do em ham ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm có đường khiến lượng đường tích lũy trong nước tiểu tăng lên dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm nấm đường tiết niệu. Bác sĩ còn cảnh báo, cứ tình trạng ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều đường và tinh bột em sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng béo phì. Béo phì trong thời gian bầu bí này có thể dẫn đến mắc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, tiền sản giật. Không những thế, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng hoặc to bất thường và hàng loạt các bệnh khác em nghe xong mà hết hồn.
Tuy nhiên, bác sĩ động viên em cứ bình tĩnh, thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tư tưởng phải ăn cho hai người, thèm gì ăn nấy thì em sẽ sớm khỏi bệnh, mẹ khỏe con khỏe. Nghe bác sĩ tư vấn em yên tâm phần nào và về nhà áp dụng nghiêm ngặt chế độ ăn, ngủ nghỉ của bác sĩ. Thật may, em đã sớm khỏi bệnh, em bé khỏe mạnh không bị ảnh hưởng hay di chứng gì. Chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ đã tư vấn cho em đây, các mẹ có thể tham khảo:
Ăn đa dạng
Ăn thật nhiều các loại rau, các loại đậu (đậu xanh và đậu lăng) và trái cây tươi mỗi ngày. Ăn nhiều ngũ cốc (gồm khoai, bánh mì, mì ống, gạo…). Ăn nhiều thịt nạc, cá, thịt gia cầm. Ngoài ra, các mẹ không nên bỏ qua sữa, các chế phẩm từ sữa (sữa chua, pho mát, váng sữa). Uống nhiều nước trong ngày. Ngủ đủ 8 tiếng/ngày.
Dinh dưỡng hợp lý
Các mẹ nên chọn thực phẩm ít muối, ăn một lượng đường vừa phải.
Dinh dưỡng cho bà bầu được khuyến nghị trung bình mỗi ngày cần thêm 300 calo trong chế độ ăn uống của mình cho 3 tháng đầu, 600 calo trong 3 tháng tiếp theo và 900 calo trong ba tháng cuối.
Bổ sung vitamin
Đối với các mẹ không bị ốm nghén thì việc bổ sung vitamin qua thực phẩm là một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, đối với các mẹ bị ốm nghén nếu không bổ sung được vitamin và dưỡng chất qua các thực phẩm, các mẹ có thể uống các viên bổ sung vitamin dưới sự tư vấn của bác sĩ.
Có 4 dưỡng chất quan trọng các mẹ nên chú ý bổ sung khi mang thai. Đó là: Axit folic, protein, canxi và sắt.
Axit folic
Axit folic có nhiều trong ngũ cốc, bánh mì, đậu lăng, các loại rau như súp lơ, cà chua…, các loại trái cây như bơ, cam... Axit folic giúp giảm nguy cơ khuyết tật, dị tật ở thai nhi và những tổn thương não. Bên cạnh đó, axit folic còn giúp ngăn ngừa sinh non, nguy cơ sinh con nhẹ cân, chậm phát triển.
Protein
Phụ nữ mang thai nên dùng ít nhất 60g protein mỗi ngày. Protein có vai trò quan trọng trong việc phát triển và phục hồi các tế bào, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Protein có nhiều trong thịt nạc, trứng, bơ, đậu phộng, đậu phụ.
Canxi
Phụ nữ mang thai nên uống 1000mg canxi mỗi ngày. Nguồn cung cấp canxi phong phú là sữa, sữa chua, cá hồi… Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam để tăng cường khả năng hấp thụ canxi.
Sắt
Chất sắt có nhiều trong thịt nạc, các loại hạt, rau bina… Phụ nữ mang thai cần gấp đôi lượng sắt so với những phụ nữ khác để sản xuất đủ hemoglobin, làm gia tăng máu. Các chuyên gia khuyên phụ nữ mang thai cần hấp thụ 27mg sắt mỗi ngày.
Những thực phẩm cần tránh
Không uống rượu, cafe và các chất kích thích. Không ăn thịt, cá, hải sản sống vì nó có chứa khuẩn listeria.
Hạn chế ăn gan, pa-tê vì nó chứa quá nhiều vitamin A không tốt cho bé. Không nên ăn trứng chưa luộc chín (lòng đào), sữa chưa tiệt trùng; rau, trái cây chưa rửa sạch.
Chỉ ăn các loại cá thông thường, tránh các loại cá lạ như cá mập, cá kiếm, cá thu đại dương vì thịt của chúng có thể chứa thủy ngân, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và não.