SỨC KHỎE » Chăm con

Mẹ càng lười ba việc trong giai đoạn giáo dục con, con càng có nhiều triển vọng khi lớn lên

Thứ ba, 21/03/2023 14:11

Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái vô bờ bến, luôn dành hết tình yêu, thời gian, sức lực để chăm sóc trẻ. Tuy nhiên không phải lúc nào chăm sóc quá chu đáo cũng là điều tốt, sự "lười biếng đúng lúc" của cha mẹ lại là một phương pháp tốt giúp con tự lập hơn.

Lười vận động chân

Người xưa có một bí quyết rất hay trong việc giáo dục trẻ từ nhỏ đó là: “Miệng của cha mẹ, chân của trẻ”. Nhưng hiện nay rất nhiều gia đình lại đang làm ngược lại: “Miệng của trẻ, chân của cha mẹ”, trẻ đòi cái gì thì người lớn phải mua, trẻ cần gì là cha mẹ phải lấy ngay.

Khi mẹ giúp con làm những việc đơn giản, con thường có xu hướng thụ động, ỷ lại, tinh thần trách nhiệm không cao bởi luôn được làm sẵn.

Vì thế, mẹ cần "lười" một chút để tạo thói quen học tập và sinh hoạt cho con, thậm chí còn tích cực nhờ trẻ nhiều hơn. Điều này giúp con hình thành được tính chủ động, sáng tạo, có thể xoay sở trước mọi việc. Nếu cha mẹ "lười" vận động chân, dần dần sẽ hình thành thói quen tự lập của trẻ, chủ động làm mọi việc mà không ỷ lại vào cha mẹ.

Lười làm việc nhà

Trong cuộc sống gia đình, có vô vàn công việc không tên và những bà mẹ thường được ví như siêu nhân. Họ có thể lo lắng chu toàn cho tất cả các công việc đó. Họ không muốn con làm việc nhà vì sợ con sẽ làm hỏng.

Tuy nhiên, người mẹ cần lười làm việc nhà hơn để các con có cơ hội được thử sức với các công việc nấu nướng, dọn dẹp và ngày càng thành thục những công vệc này. Muốn con tự lập, người mẹ cần tin tưởng con, kiên nhẫn với con hơn. Hãy động viên khi con làm việc nhà chưa thành thạo. Trong quá trình làm việc cùng mẹ, trẻ sẽ được rèn luyện tính cách tự lập và rèn luyện thói quen ứng xử tốt.

Lười vận động miệng

Khi còn nhỏ, chúng ta đều ghét nhất là sự cằn nhằn của mẹ, phải nghe cha mẹ nói về một điều gì đó liên tục quả thật rất khó chịu.

Nhiều ba mẹ luôn giám sát, đốc thúc mọi việc mà con làm, thậm chí còn cằn nhằn, mắng mỏ khi kết quả con làm chưa đạt kỳ vọng. Khi con nghe quá nhiều những lời này, chúng dễ trở nên chán nản, ấm ức, tạo ra những hành vi chống đối và lời nói của bạn không còn tác dụng.

Thay vì cằn nhằn quá nhiều, mỗi sự việc cha mẹ chỉ nên nhắc nhớ trẻ tối đa 3 lần, sau đó nếu con làm việc đó không tốt thì hãy ngồi lại với trẻ, nói về hậu quả của việc không nghe lời. Cho trẻ biết rằng cha mẹ sẽ không nhắc nhở nhiều nữa, nếu con làm không tốt thì con phải tự gánh lấy trách nhiệm tương ứng. Sau khi làm điều này vài lần, mặc dù có nhiều sai xót lúc đầu nhưng dần dần trẻ sẽ có ý thức hơn và ngoan ngoãn hơn.

Hạ Tú (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)