Ba năm đầu tiên là thời gian cho một đứa trẻ bắt đầu tìm hiểu làm thế nào để nói chuyện với những người khác. Đây cũng là mốc thời gian khi một đứa trẻ tích lũy vốn từ khi nó quan sát các đoạn hội thoại của mọi người xung quanh.
Từ 18-24 tháng tuổi, bé có thể tự mình nói được những từ và câu đơn giản. Theo thời gian, não trẻ càng phát triển, vốn từ vựng bé tiếp thu được cũng nhiều hơn. Nếu một em bé được sinh ra trong một gia đình song ngữ thì nhận thức sẽ được diễn ra cùng một lúc.
Dưới đây là các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ, các mẹ có thể dựa vào đó để nhận biết mức độ phát triển nhanh hay chậm của con.
Trong thời kỳ mang thai
Nhiều nhà khoa học cho rằng nhận thức về ngôn ngữ của trẻ bắt đầu ngay khi còn trong bụng mẹ. Bên trong cơ thể của mẹ, trẻ có thể làm quen với nhịp đập của trái tim và giọng nói của mẹ; hơn nữa bé cũng có thể cảm nhận và phân biệt được những tiếng nói khác.
Ngay từ những tháng cuối thai kỳ này, các bé đã bắt đầu ghi nhận và ghi nhớ thông tin chứ không chờ đến khi được sinh ra. Quá trình học hỏi diễn ra một cách thật tự nhiên từ những âm thanh bé nghe được, mà gần gũi và thường xuyên nhất là giọng nói của mẹ – đặc biệt khi giọng nói của mẹ luôn phát ra kèm với những chuyển động mà bé cũng có thể cảm nhận được. Việc học hỏi trong bụng mẹ hiệu quả đến nỗi chỉ vài giờ sau khi sinh ra, bé đã có thể phân biệt được tiếng mẹ đẻ với tiếng nước ngoài.
Từ 0-3 tháng tuổi
Trong khoảng thời gian này em bé của bạn giao tiếp liên tục nhưng không phải bằng lời nói. Khả năng giao tiếp sẽ phát triển một cách tuần tự và các kỹ năng nâng cao sẽ được xây dựng trên một nền tảng cơ bản.
Những tiếng khóc là hình thức giao tiếp đầu tiên của trẻ. Nếu bé hét lên, đồng nghĩa với việc con muốn báo với mẹ rằng con cảm thấy đói; nếu phát ra những tiếng rên rỉ tức là bé cảm thấy khó chịu và muốn thay tã.
Trẻ trong giai đoạn này có thể học cách chú ý khi nghe mẹ hoặc mọi người xung quanh nói chuyên, chúng sẽ cười khi nghe thấy giọng mẹ. Thực tế, trẻ dường như nhận ra giọng nói quen thuộc của mẹ và sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghe thấy tiếng vỗ về từ mẹ. Trẻ dưới 3 tháng tuổi cũng sẽ ngừng mọi hoạt động và tập trung chú ý gần hơn tới những âm thanh không quen thuộc.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ của bé ở giai đoạn này còn được thể hiện khi bé giật mình với tiếng động bất ngờ, bắt đầu phát âm để thể hiện sự thích thú.
Từ 4-6 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, mẹ có thể nghe thấy những âm thanh ríu rít khi chơi đùa cùng con. Trẻ bắt đầu bập bẹ và đôi khi phát ra những âm thanh như thể con đang tiếp chuyện với mọi người.
Bé cũng có thể nói với yêu cầu và mong muốn của mình bằng cách sử dụng âm thanh và cử chỉ. Con sẽ tạo ra những tiếng ồn để thu hút sự chú ý của mẹ.
Ngoài ra, bé cũng phát âm để phản xạ khi nghe hát, để thể hiện sự vui thích, phân biệt được giọng nói tức giận hay trìu mến, ngừng khóc khi nghe có giọng nói.
Từ 7-12 tháng tuổi
Tại thời điểm này, bé có thể bập bẹ một số từ đơn giản như “ma ma”, “ba ba”.... Đây là những từ phổ biến nhất mà những đứa trẻ có thể phát ra đầu tiên. Tuy nhiên, bé không nhận thức được rằng mình đang kêu gọi cha mẹ một cách đáng yêu cho đến khi 1 tuổi. Mặc dù, bé không nhận thức được những gì mình nói, nhưng bé có thể cảm nhận được tên gọi của mình khi có người gọi.
Trẻ cũng có phản ứng khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại hay tiếng gõ cửa; biết dùng cử chỉ và ngôn ngữ để diễn đạt như lắc đầu để nói "không"; bập bẹ khoảng 4 âm tiết hay nhiều hơn giống câu ngắn mà không có từ thực sự; đưa đồ chơi cho người lớn khi nghe yêu cầu; làm theo một mệnh lệnh đơn giản như "đặt nó xuống"; thể hiện hiểu các yêu cầu nghe được bằng cử chỉ của đầu, cơ thể; bắt đầu nhận ra vật, hình ảnh qua gọi tên
Mẹ cần phải trở thành một người hỗ trợ tinh thần cho sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ bằng những câu chuyện, thường xuyên nói chuyện và hát cho bé. Bởi vì, đây là một giai đoạn rất quan trọng khi bé cố gắng bắt chước người lớn nói chuyện, ngay cả khi mẹ không biết những gì con nói.
Từ 13-18 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, bé có thể nhận biết được các thành viên trong gia đình; hiểu các khái niệm “trong và ngoài”, “tắt và mở”; chỉ vào một vài bộ phận trên cơ thể khi được hỏi; phản ứng bằng từ ngữ hoặc cử chỉ với những câu hỏi đơn giản như “ở đâu?”, “Cái gì?”.
Từ 19-24 tháng tuổi
Ngoài ra, trẻ còn có thể chỉ vào tranh bằng một ngón tay; dùng nhiều phụ âm (p,b,m,n,h); lấy được các đồ vật nằm trong tầm nhìn; có thể hiểu hơn 50 từ; giảm cử chỉ dùng lời nói nhiều hơn để giao tiếp...
Vốn từ vựng của trẻ trong giai đoạn này cũng nhiều thêm đáng kể. Con có thể kết hợp 2 từ với nhau để tạo thành một câu đơn giản như “ôm con, bế con...”. Khi bé 2 tuổi, con có thể sử dụng được những câu đơn giản gồm 2-4 từ. Tại thời điểm này, trẻ đã nêu được cái mình thích và không thích bằng một cách đơn giản và ngắn gọn.
Từ 25-36 tháng tuổi
Từ 2 tuổi đến 3 tuổi, vốn từ vựng của bé được mở rộng liên tục và bé có thể cảm nhận được tất cả những điều mẹ nói. Điều ngạc nhiên là bé có thể kiểm soát các ngữ điệu trong các cuộc trò chuyện và kết nối từ để có một câu hoàn chỉnh như "Con muốn uống". Bé biết dùng danh từ riêng: con, mẹ, bác, cô, dì...; bắt đầu gọi tên màu cơ bản; lặp lại 2 số đếm, lặp lại các từ, các cụm từ; đọc được những bài thơ, bài hát yêu thích, nói được câu phủ định.
Ở giai đoạn 3 tuổi, bé có thể giao tiếp lưu loát với mẹ trong một cuộc trò chuyện khá dài. Hơn nữa, nó có thể kết nối nhiều từ hơn để tạo thành câu dài.
Việc nắm được các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ là một điều vô cùng hữu ích, giúp các bậc cha mẹ có những định hướng và phương pháp giáo dục ngôn ngữ phù hợp cho trẻ ngay từ nhỏ.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên hiểu rằng tất cả các cột mốc đều chỉ mang tính tương đối, không phải đứa trẻ nào cũng phải phát triển chính xác đúng theo những chuẩn mực chung. Mỗi đứa trẻ có thể sẽ đạt được các kỹ năng khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong một phạm vi nhất định.