Tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ mà phụ huynh nên có những phương pháp dạy dỗ và cung cấp đúng loại năng lượng phù hợp với nhu cầu của não bé. Việc dạy bé học đọc được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Tạo nền tảng cho việc đọc của bé (dành cho trẻ sơ sinh hay mới tập đi)
Đối với vài tháng đầu, em bé của bạn sẽ chọn lọc trên nhịp điệu ngôn ngữ, chứ không phải nội dung. Vì thế, khi đọc cho bé nghe, bạn có thể đọc bất cứ thứ gì: sách tranh, những quyển truyện thiếu nhi đơn giản, các bài đồng dao ngắn… Bạn không cần phải đọc y hệt trong sách cho bé nghe bởi điều đó có thể sẽ gây nhàm chán cho chính bạn. Hãy thoải mái thêm một số bình luận của mình như “Bé mèo mun này dễ thương quá, giống mèo nhà bác Nam không con?”. Ở giai đoạn này, điều quan trọng là ở giọng nói dịu dàng của mẹ và mối liên hệ giữa những quyển sách, những bức tranh minh họa và sự vui vẻ.
Hãy chắc chắn rằng bạn có vài quyển sách thật bắt mắt trong thùng đồ chơi của bé để thỉnh thoảng bé sẽ nhìn mỗi khi có hứng. Bạn có thể tìm mua những quyển sách vải cho bé, chúng vừa có hình ảnh đẹp mắt, một số còn có thể phát ra âm thanh giúp thu hút sự quan tâm của bé và bé cũng không thể xé rách.
Ngoài ra, đây là lứa tuổi cần sự lặp lại. Vì thế, với một quyển sách, bạn hãy đọc đi đọc lại cho bé.
Khi bé lớn dần và bắt đầu có nhận thức, bạn có thể dùng những quyển sách với những hình ảnh phức tạp hơn, và với nhiều chữ hơn một chút, thậm chí có thể là một câu chuyện nhỏ với những chủ đề đơn giản, gần gũi như hoa cỏ, động vật…
Giai đoạn 2: Các kĩ năng chuẩn bị cho việc học đọc (dành cho các bé chuẩn bị đi học)
Lúc này, con bạn đã có thể phân biệt các trang của quyển sách. Nhiệm vụ tiếp theo là giúp bé hiểu được các từ trong sách được đọc từ trái sang phải và cách đọc các từ đó. Bạn chỉ cần vừa đọc cùng bé vừa chỉ vào từ đó ở trong sách và di chuyển ngón tay theo các dòng.
Hãy tìm những cuốn sách với hình vẽ sáng sủa, vui nhộn đi kèm với các đoạn văn ngắn, dễ hiểu. Những câu chuyện có bài hát hoặc giai điệu cũng rất tốt, nó sẽ làm tăng sự hứng thú và thúc đẩy khả năng ghi nhớ của bé. Và thỉnh thoảng bạn có thể thử dừng đọc trước khi kết thúc các bài hát để xem liệu bé có thể đọc những từ còn thiếu không.
Khi bé có thể nhận ra cách đọc một số từ, bạn có thể chỉ cho bé những từ ấy khi bạn thấy chúng trên các biển hiệu trên phố hoặc trong sách. Bạn có thể tìm các trò chơi đơn giản với chữ để bé có thể chơi cùng. Cô Hoa (Đống Đa) chia sẻ: “Tôi thường hay chơi trò đoán từ với con. Ví dụ như - từ này có 5 chữ, là một loại quả, bắt đầu bằng chữ “c”, loại quả này màu vàng và rất ngọt - và con tôi đoán ra đó là quả Chuối”.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ đừng nên kì vọng con sẽ biết đọc trước khi đến trường mà quan trọng là khơi gợi được trong bé niềm yêu thích trong các chữ cái và con số.
Giai đoạn 3: Bắt đầu đi học
Khả năng học đọc của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Một số bắt đầu học rất nhanh và rồi chậm dần, một số thì luôn tiến bộ dần đều, một số lại bị đuối lúc đầu nhưng sau đó bắt kịp rất nhanh. Vì thế cha mẹ không nên sốt ruột và ép con khi thấy con đọc kém hơn các bạn.
Thay vào đó, bạn nên kiên nhẫn và giúp con học đọc tốt hơn bằng cách:
- Hãy nói về cốt truyện. Kiểm tra xem bé có hiểu cái mình đang đọc không hơn là để bé nhại lại giọng của bạn. Hỏi bé xem điều tiếp theo có thể xảy ra và cuối cùng, hỏi xem bé có thích câu chuyện hay không.
- Đừng tỏ ra không hài lòng với các phỏng đoán chưa đúng. Nếu như trong truyện viết “Tôi dùng bàn chải để đánh răng” và bé đọc “Tôi dùng bàn chải để rửa răng”. Điều đó có thể sai nhưng đó là phỏng đoán của bé, điều này rất tốt vì ít nhất con bạn đã nghĩ đến nghĩa của câu khi đọc. Bạn có thể gợi ý bằng cách nhắc con từ đó bắt đầu bằng chữ gì và để bé đoán. Sau đó bạn hãy giải thích cho bé tại sao nên dùng từ này trong câu một cách đơn giản, bé sẽ hiểu và nhớ được lâu hơn là được mẹ nhắc cho từ bị sai ngay lập tức.
- Hãy để ý đến thời gian. Luôn giữ cho giờ đọc vừa phải (tối đa là mười phút) và hãy quên chuyện bắt con bạn đọc khi bé đang đói, mệt hoặc buồn.
- Dạy bé đọc bằng những quyển sách thú vị. Hãy bỏ thời gian tìm những quyển sách thu hút sự chú ý của con bạn hoặc làm bé vui vẻ. Tránh xa những quyển thơ văn rườm rà. Hãy mua cho bé những quyển sách trinh thám, bí hiểm hoặc các câu chuyện thần thoại. Hãy lấp đầy trí tưởng tượng của con bạn với những điều tuyệt vời và củng cố mối liên hệ giữa việc đọc và niềm yêu thích. Mọi đứa trẻ đều có quyền được tham gia vào thế giới sách, điều duy nhất bạn cần làm là mở cánh cửa giúp con đến với thế giới đó.