SỨC KHỎE » Chăm con

Nên làm gì nếu con mắc chứng sợ nha sĩ?

Chủ nhật, 12/09/2021 09:33

Nha sĩ luôn là nỗi ám ảnh của trẻ nhỏ khi có vấn đề về răng miệng! Con bạn có nằm trong số đó? Nguyên nhân là gì? Ba mẹ hãy cùng con học cách xua đi nỗi lo lắng khi gặp nha sĩ theo những thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

Do tâm lý ám ảnh, có thể xuất phát từ khi còn nhỏ, trẻ phải trải qua một lần nhổ răng đau đớn bởi nha sĩ đã sử dụng chiếc kềm và chiếc kim tiêm đáng sợ trên tay. Một nỗi sợ khác có thể là do không gian của phòng điều trị, căn phòng lạnh và chỉ một màu trắng, đầy vật dụng y khoa nhọn hoắt như mũi khoan, các dụng cụ khám răng. Hơn thế, trẻ còn phải nằm yên suốt quá trình khám và điều trị với ánh đèn chói mắt, không biết nha sĩ sẽ làm gì trong miệng của mình và luôn lo lắng về những cơn đau bất chợt sẽ đến bất cứ lúc nào trong suốt quá trình khám và điều trị, điều này càng làm tăng sự căng thẳng ở trẻ.

Tập làm quen với nha sĩ

Những lời khuyên tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi của trẻ khi đến nha sĩ (Ảnh minh họa)

Đối với trẻ nhỏ trước khi đưa đến gặp bác sĩ nói chung và bác sĩ nha khoa nói riêng cần được cha mẹ nói chuyện, làm quen với câu chuyện, phim hoạt hình hoặc trò chơi bác sĩ - bệnh nhân. Tại nhà mỗi lần vệ sinh răng miệng cha mẹ cần sử dụng các các thao tác vui đùa như khám răng, chải răng, xem răng cho bé. Cha mẹ cũng cần đổi vai bác sĩ - bệnh nhân cho bé được làm quen.

Trước khi điều trị, nên cho trẻ đến phòng răng sớm để trẻ tập làm quen và quan sát. Bé làm quen và có ý thức về điều trị, không điều trị trong lần hẹn đầu tiên.

Trẻ sẽ gặp người bệnh, trợ thủ và nha sĩ. Nếu thuận lợi, cho trẻ làm quen dần với một số dụng cụ nha khoa, giải thích các dụng cụ và quá trình khám bệnh một cách dễ hiểu và gần gũi với bé. Kỹ thuật này hơi khác với cuộc hẹn quan sát trong đó trẻ nhìn cha mẹ hoặc người khác điều trị. Trong cuộc hẹn quan sát, cần chú ý lựa chọn bệnh nhân rất hợp tác với điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân có cùng độ tuổi với trẻ. Tuy nhiên, cuộc hẹn quan sát có thể có tác dụng ngược lại nếu trẻ thấy điều gì đó làm con sợ hãi.

Nói chung, cuộc hẹn đầu tiên càng đơn giản, càng dễ chịu càng tốt. Trong cuộc hẹn này không làm bất kỳ điều gì khiến trẻ đau và sợ hãi.

Chọn thời điểm thích hợp

Chọn thời điểm đến phòng nha khoa ảnh hưởng lớn đến mức độ lo lắng của trẻ nhỏ! Vì lý do này, tốt hơn là tránh những giờ khi trẻ bồn chồn, khó chịu, hoặc quá mệt mỏi, để những đứa trẻ đối diện với nha sĩ tốt hơn.

Nếu có thể, các chuyên gia khuyên bạn nên đi cùng trẻ em đến phòng khám nha sĩ vào buổi sáng. Sáng sớm hoặc ngay khi kết thúc buổi học là thời điểm tốt nhất để trẻ có nhiều sự khích lệ và hài hước hơn.

Nói, trình bày, làm và khen ngợi

Đối với cha mẹ, tại nhà trước vài hôm có lịch hẹn với bác sĩ cần giải thích cho bé lợi ích của việc khám răng, ngồi ghế, các dụng cụ điều trị. Cha mẹ là người động viên khen ngợi giúp trẻ tự tin khi điều trị. Có thể lấy hình ảnh răng xấu xí nếu không điều trị và hình ảnh răng đẹp khi đã được điều trị cho trẻ xem.

Đối với bác sĩ trước khi bắt đầu công việc (trừ việc gây tê tại chỗ và các thủ thuật phức tạp khác khó khăn khi giải thích như điều trị tủy) nói cho trẻ biết công việc sẽ làm. Sử dụng từ ngữ rất quan trọng trong kỹ thuật “nói, trình bày, làm”. Khi thực hiện, nha sĩ cần phải dùng một số từ ngữ thích hợp, dễ hiểu để trẻ có thể hiểu và chấp nhận thủ thuật. Song song với việc nói và làm thì bé cần được khen ngợi và giao tiếp giúp bé thấy yên tâm và gần gũi với nha sĩ, điều này giúp cho việc điều trị nha khoa cho trẻ diễn ra thuận lợi hơn và ngược lại.

Giang Nguyễn (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới