Trên mạng xã hội Trung Quốc xôn xao câu chuyện một người mẹ đã dạy con gái mình học thuộc lòng những bài thơ cổ. Suốt 3 giờ đồng hồ, cô bé không thể ghi nhớ và khiến mẹ rất tức giận. Người mẹ làm mẫu đọc mấy lần rồi hướng dẫn con gái cùng đọc, sợ con không hiểu nên kiên nhẫn giải thích ý nghĩa nhưng, con gái vẫn không nhớ nổi. Người mẹ vừa tức giận vừa lo lắng, không khỏi mắng mỏ nặng nề. Cô con gái ngấn nước mắt nói: "Mẹ, con xin lỗi, con thật ngu ngốc."
Người mẹ ngay lập tức nhận ra bản thân mình quá thô lỗ và sau đó ôm lấy con gái. Thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ gặp trường hợp tương tự và băn khoăn rằng tại sao con mình ngày xưa thông minh như vậy, nay ngày càng ngu ngốc?
Đại học Harvard đã tiến hành một nghiên cứu theo dõi quá trình trưởng thành của trẻ và kết quả cho thấy nếu trẻ ngày càng ngu ngốc thì phần lớn liên quan đến 4 hành vi của cha mẹ.
Cha mẹ đặt kỳ vọng rất cao vào con cái, nhưng trong cuộc sống, một số hành vi, thói quen vô tình đang đánh cắp chỉ số IQ của con mà không hề hay biết.
Nếu cha mẹ có những hành vi này, phải xem xét lại nghiêm túc.
1. “Dán nhãn” tiêu cực cho trẻ
Gần đây, bài phát biểu của một ông bố Trung Quốc gây sốt trên MXH nước này. Theo đó, ông bố nói: “Con trai tôi có thành tích học tập không tốt, nhưng tôi vẫn tin rằng con có một tương lai đầy tươi sáng phía trước”.
Khi đọc qua, nhiều người có thể nghĩ rằng người cha hài hước và quá yêu thương con mình. Nhưng phân tích sau đó của người cha rất rõ ràng và logic, không chỉ đơn giản là cố gắng tự an ủi mình. Người cha nói: "Thứ nhất, con trai tôi có trái tim nhân hậu, trí tuệ cảm xúc cao, tuy học tập không tốt nhưng cháu ăn, chơi, ngủ ngon. Thứ hai, đứa trẻ có thể vượt qua kỳ thi nếu có sự đồng hành của các giáo viên bộ môn. Cha mẹ nên tin rằng con mình sẽ tiến bộ từng ngày".
Bài phát biểu ấm áp và đầy cảm xúc đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ những người xung quanh. Người cha không chỉ bảo vệ lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ mà còn thể hiện sự ghi nhận và động viên đối với con trai. Ngay cả khi đứa trẻ học kém, cha nó cũng không gán cho nó những từ như “con hư” hay “con không ngoan”, thay vào đó, người cha nhìn thấy những điểm sáng của con mình.
Đúng là những bậc cha mẹ thực sự khôn ngoan, biết chấp nhận và thừa nhận con cái mình.
Cha mẹ áp đặt con cái một cách mù quáng và dán nhãn tiêu cực cho con sẽ chỉ khiến con rơi vào tình trạng tự ti. Dù có giỏi đến đâu, con cũng sẽ không được những người thân thiết công nhận, sự tuyệt vọng này sẽ khiến trẻ em từ bỏ chính mình.
Hãy cho con sự đồng hành khi con cảm thấy chán nản, hãy ôm con thật ấm áp khi con thất vọng. Khi con tiến bộ, hãy khen ngợi con một cách chân thành. Chỉ có sự chấp thuận của cha mẹ mới có thể mang lại cho trẻ một nguồn sức mạnh vững chắc và sự tự tin để tiến về phía trước.
2. Hạn chế cho trẻ chơi
Sau mỗi giờ học, trẻ em có rất bài tập về nhà phải làm. Ngoài ra, còn tham gia các buổi học thêm ở các trung tâm. Dường như việc chơi đùa và thư giãn trở thành một sự xa xỉ đối với nhiều trẻ.
Mới đây, một cậu bé 10 tuổi ở Thạch Gia Trang, Trung Quốc đã mất tích 12 tiếng đồng hồ.Cậu bé không bao giờ trở về nhà sau khi kết thúc buổi dạy kèm ở lớp học thêm vào lúc 4 giờ chiều thứ 7. Người mẹ đã hỏi giáo viên lớp học vẽ và bạn bè của cậu bé nhưng không ai biết tin tức gì. Lúc đó nhiệt độ bên ngoài là âm 16 độ, gia đình vô cùng lo lắng nên đã nhanh chóng gọi cảnh sát.
Hơn 200 người từ đội cứu hộ địa phương và những người hàng xóm trong khu phố đã cùng nhau tìm kiếm cậu bé.Họ đã chịu đựng lạnh giá để tìm kiếm, cuối cùng vào sáng hôm sau lúc 7 giờ, mọi người đã tìm thấy cậu bé co ro trên ban công của một căn hộ trong khu phố bên cạnh, cả người run rẩy. Cậu bé đã được đội cứu hộ đưa nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra và may mắn là không có vấn đề gì.
Khi được hỏi về lý do cậu bé bỏ nhà đi, mọi người đều ngạc nhiên. cậu bé có thành tích học rất tốt, được cha mẹ kỳ vọng nên bắt tham gia rất nhiều lớp phụ đạo như toán, piano... Cậu bé không có thời gian vui chơi hay giải trí. Cậu không muốn đối mặt với bố mẹ và những áp lực học tập đè nặng trên vai nên đã làm vậy.
Không có gì sai khi hy vọng rằng con bạn sẽ thành công, nhưng việc gây áp lực quá lớn lên trẻ sẽ chỉ phản tác dụng. Vui chơi không phải là lãng phí thời gian, nó là một cách để hiểu thế giới, là nguồn hạnh phúc và nó có thể tích lũy năng lượng mạnh mẽ trong trái tim.
Nhà văn Chen Meiling, người từng gửi 3 cậu con trai của mình đến Stanford, cho biết: "Việc vui chơi rất quan trọng đối với trẻ em. Nó không chỉ có thể nuôi dưỡng trí tò mò và khả năng sáng tạo mà còn rèn luyện cơ thể của chúng".
Vui chơi là bản chất của trẻ em và chúng luôn tò mò về thế giới. Sự tò mò này thôi thúc trẻ liên tục thử và khám phá trong nhiều trò chơi khác nhau, đây thực sự là quá trình học tập quan trọng nhất. Nó cũng cho phép trẻ học cách hòa hợp với người khác thông qua tương tác với bạn bè, có được tình bạn và phát triển các kỹ năng giao tiếp.
Vui chơi còn có thể giải tỏa căng thẳng cho trẻ trong cuộc sống và học tập, đồng thời mang lại cho trẻ những cảm xúc vui vẻ khi la hét, chạy nhảy, đổ mồ hôi và cười đùa. Vui chơi thoải mái, tự do giống như chất tăng tốc cho sự phát triển, kích thích tiềm năng vô hạn của trẻ.
3. Thường xuyên ngắt lời trẻ
Trong chương trình của Đài Truyền hình Giang Tô (Trung Quốc), một cô bé 4 tuổi đã tự mình hoàn thiện bức tranh xếp hình "Đêm Đầy Sao". Khi đó, đứa trẻ phải xếp hình liên tục trong hơn 10 tiếng mới xong bức tranh, đây là một thử thách yêu cầu sự tập trung cao độ mà ngay cả người lớn cũng khó hoàn thành.
Sự tập trung của cô bé khiến người dẫn chương trình phải thốt lên: "Sao con làm được vậy?".
Cô bé có sở thích xếp hình ở nhà và có thể ngồi suốt 7 tiếng đồng hồ ghép tranh, đến nỗi quên ăn quên uống. Khi nói về bí quyết rèn luyện sự tập trung cho con, mẹ của cô bé cho biết: "Tôi để con tự do làm việc của mình".
Khi trẻ học hoặc chơi, cha mẹ không nên can thiệp hay gián đoạn con thường xuyên. Thường xuyên ngắt lời trẻ không chỉ ảnh hưởng đến việc khám phá sở thích của trẻ mà còn làm tổn hại đến khả năng tập trung của trẻ. Khi con vui chơi, đừng quá lo lắng việc con đói hay khát. Khi con học, đừng liên tục nhắc nhở "con trả lời sai rồi", "viết chữ xấu quá". Bảo vệ khả năng tập trung của trẻ, xây dựng một thói quen tốt, có thể mang lại lợi ích cho trẻ đến khi trưởng thành.
Mọi sự can thiệp của cha mẹ đều làm xáo trộn trật tự bên trong của trẻ. Thực tế, chỉ cần trẻ không yêu cầu giúp đỡ thì cha mẹ nên không làm phiền. Bảo vệ sự tập trung của trẻ và hình thành thói quen tốt có thể mang lại lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
4. Kìm nén cảm xúc của trẻ
Trên thực tế, tiếng khóc và tiếng cười của trẻ đều là biểu hiện của cảm xúc, không có sự phân biệt tốt xấu. Khóc là một kênh để trẻ giải tỏa cảm xúc, những cảm xúc như thất vọng, bất bình, buồn bã, tức giận sẽ được giải phóng khi khóc.
Nếu bị cưỡng ép cấm đoán, cảm xúc bị đè nén sẽ không biến mất, nó sẽ tích tụ trong lòng, ngày càng mãnh liệt, cuối cùng bộc phát dưới hình thức mãnh liệt hơn.
Vì vậy, cha mẹ không nên kìm nén cảm xúc của trẻ, hãy để chúng tự nhiên nhất.