Theo tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, vừa có bé trai 5 tuổi, ngụ tại quận 10, TP.HCM tử vong do hóc dị vật đường thở khi ăn thạch rau câu. Nguyên nhân khiến bệnh nhi tử vong được xác định là do thỏi rau câu lọt vào đường thở, gây suy hô hấp cấp.
Người thân nạn nhân cho hay, trong lúc bóp mạnh vỏ nhựa bọc bên ngoài để thỏi rau câu tuột ra, cháu đồng thời hút mạnh nên đã bị hóc. Ngay sau đó, cháu bé ho sặc, tím tái, ôm ngực vật vã, người nhà hoảng hốt đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Khi nhập viện, cơ thể cháu bé đã tím tái, trụy tim mạch, dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua được cơn nguy kịch.
Các bác sĩ cho rằng, khi bệnh nhi hút rau câu vào miệng, nắp thanh quản sẽ mở ra, khiến thức ăn lọt vào đường thở và lúc này nắp thanh quản đóng lại sẽ khiến đường thở bị tắc nghẽn.
Trẻ ăn thạch rau câu rất dễ bị hóc, gây nghẹt thở, tử vong (Ảnh minh họa).
Từ sự việc đau lòng trên, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên tập cho con em mình thói quen ăn uống, nhai nuốt an toàn để tránh thức ăn rơi vào đường thở. Đặc biệt với thạch rau câu, chôm chôm, nhãn… là những món ăn gây nghẹn rất nguy hiểm. Điều đáng bàn, trong lúc đang ăn tuyệt đối không cho trẻ nô đùa.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời, chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý những nguyên tắc vàng sau đây:
+ Trong khoảng 4 phút đầu sau khi tai nạn xảy ra là thời gian vàng để cứu sống nạn nhân, còn sau đó, bệnh nhi sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, tử vong hay đối mặt với di chứng não.
+ Mỗi phụ huynh cần chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến sơ cấp cứu tại chỗ nói chung và sơ cứu dị vật đường thở nói riêng để kịp thời xử lý trong trường hợp chẳng may bé gặp tai nạn.
+ Nếu trẻ hóc dị vật, người lớn tuyệt đối không đưa tay móc miệng trẻ để lấy ra. Việc làm này chẳng những không lấy được dị vật mà còn đẩy nó vào sâu hơn.
+ Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác sau: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi làm xong, nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
+ Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị-vùng trên rốn và dưới xương ức. Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Đồng thời gọi xe cấp cứu khẩn cấp.
+ Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng. Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
+ Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.