Thịt cóc xưa nay được lưu truyền trong dân gian như một phương thuốc hiệu quả để cho trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng, còi xương. Nhiều mẹ tin thịt cóc có nhiều lợi ích như vậy nên thường tìm mua để chế biến, làm ruốc cóc cho trẻ ăn.
Nhưng theo bác sĩ dinh dưỡng Đoàn Thị Lan (Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2 - Hà Nội) đánh giá, việc ăn thịt cóc giúp con tăng cân là quan điểm cũ. Khi kinh tế còn khó khăn, việc bổ sung thịt vào bữa ăn của con còn hạn chế, thịt cóc là loại thịt dễ kiếm nên mới có quan điểm này.
Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng thịt cóc bổ dưỡng hơn các loại thịt khác.
Việc bổ sung đa dạng các loại thịt trong khẩu phần ăn của trẻ quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ tập trung vào một loại thực phẩm nào đó, như thịt cóc.
Theo bảng thành phần thức ăn Việt Nam do Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố, giá trị dinh dưỡng trong bột cóc khô có lượng protein khoảng 55,5 g/100 g thịt cóc, chất béo khoảng 13,4 g/100 g thịt cóc. Tuy nhiên, khi so sánh giá trị dinh dưỡng của ruốc cóc (chà bông cóc) với ruốc heo thì 2 loại ruốc này có giá trị cung cấp năng lượng tương đương nhau. Vậy nên không chỉ riêng thịt cóc mà các loại thịt khác như heo, thịt gà, cá, tôm... cũng mang lại giá trị dinh dưỡng, cung cấp năng lượng, chất đạm tốt cho trẻ.
Ngoài ra bác sĩ khuyến cáo, thịt cóc có thể gây dị ứng và ngộ độc với trẻ, nếu không được xử lý và chế biến đúng cách. Độc tố của cóc là hợp chất bufotoxin, có ở một số bộ phận cơ thể như nhựa cóc, trong gan và buồng trứng.
Từng có rất nhiều trường hợp ba mẹ, người thân tự ý chế biến thịt cóc cho con cháu mình sử dụng và hậu quả dẫn đến những điều đáng tiếc.