SỨC KHỎE » Chăm con

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ sốt cao

Thứ ba, 15/07/2014 08:04

Sốt không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện của các bệnh khác nhau và không phải việc chúng ta hạ sốt cho trẻ hết sốt là trẻ khỏi bệnh.

Khi trẻ sốt, nếu không biết xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tổn thương các tế bào thần kinh, rối loạn thần kinh não nguy hiểm hơn có thể gây hôn mê hoặc tử vong.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi thấy con mình bị sốt và việc đầu tiên cha mẹ thường làm là tìm cách hạ thân nhiệt cho con theo cách riêng của mình mà không để ý tới tới những yếu tố liên quan. Dưới đây là một số sai lầm khi hạ sốt cho trẻ: - Lau mát trẻ bằng nước ấm pha cồn hay rượu: Việc kết hợp này có thể làm mát trẻ rất nhanh, thậm chí mát lạnh do sự bốc hơi. Tuy nhiên, điều đó vô cùng nguy hiểm. Vì rượu hay cồn khi bốc hơi có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Ngoài ra, hiện nay ở một số nơi người ta bỏ thêm vào rượu một số chất như thuốc diệt sâu rầy, khiến cho rượu trong vắt.

Chườm mát bằng nước đá: Nước đá sẽ làm trẻ ớn lạnh và run nhiều. Càng run chừng nào, cơ thể càng sinh nhiệt và sốt cao chừng ấy. Ngoài ra đá lạnh có thể khiến trẻ bi sưng phổi.  - Xoa chanh: Dùng chanh xoa cho trẻ sẽ làm bỏng hay hỏng da. Vì trong chanh có chứa một độ axit loãng. 

Vắt chanh vào miệng: khi trẻ lên cơn co giật là việc làm vô cùng nguy hiểm. Trẻ có thể hít vào phổi và gây nên bệnh viêm phổi hít nặng..

- Cạo gió: Là một biện pháp rất quen thuộc mà từ xưa đến nay người dân Việt Nam ta vẫn làm khi bị sốt. Tuy nhiên, điều nay không phù hợp với trẻ nhỏ, vì bé còn quá non nớt, việc cạo gió có thể khiến bé bị đau, thậm chí trầy xước Da gây nhiễm trùng.

Ủ ấm: Nhiều cha mẹ sợ con lạnh nên cố mặc nhiều quần áo hay đắp chăn ủ ấm, tuy nhiên, điều này được khuyến cáo không nên vì phản khoa học. Thay vào đó, bạn cần nới lỏng quần áo và cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát nhưng không nên nằm trong phòng máy lạnh hay để quạt xoáy vào trẻ.

Sử dụng thuốc hạ sốt quá liều: nhiều bậc cha mẹ đã tự ý cho con uống thuốc hạ sốt không đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ hoặc không đúng với hướng dẫn sử dụng ghi trên hộp thuốc. Sau khi cho con uống hạ sốt nhưng không thấy đỡ, phụ huynh lại tiếp tục cho uống thêm, có trường hợp cứ 1 tiếng lại cho trẻ uống một lần. Trẻ dùng thuốc quá liều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. - Uống thuốc hạ sốt khi trẻ đang co giật: Khi trẻ co giật bố mẹ phải giữ bình tĩnh, không nên hoảng sợ. Không di chuyển trẻ sốt co giật vì có thể gặp nguy hiểm. Không giữ, ôm chặt hoặc giới hạn cử động của trẻ. Không nên cố gắng cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ khi cơn giật vẫn đang còn tiếp tục xảy ra. Nên chờ cho cơn giật dịu lại mới nhẹ nhàng đưa một chiếc thìa, hoặc cây có quấn khăn mùi xoa (gạc, xô) vào miệng trẻ. Không được cho trẻ uống thuốc, kể cả thuốc hạ sốt Paracetamol, Efferalgan trong khi trẻ còn co giật, hoặc chưa tỉnh hẳn.

Tự ý mua thuốc Aspirin hay các thuốc kháng viêm cho trẻ uống. Vì những thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?

Đối với những trẻ sốt đơn thuần, sốt nhẹ, không có triệu chứng kèm theo như: ho, sổ mũi thì có thể ở nhà theo dõi trong vòng 24-48h. Nếu trẻ sốt cao hay kéo dài quá 48h kèm theo nôn mửa, ho, khò khè, khó thở… bạn cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Còn trường hợp trẻ sốt cao, co giật, bỏ bú li bì cần nhập viện khẩn cấp.

Theo Vnmedia.vn