1. Luôn xuất hiện như vị "cứu tinh" của con
Đây là sai lầm mà rất nhiều phụ huynh mắc phải. Cha mẹ luôn chăm chú, tỉ mỉ dõi theo trẻ từng ly từng tí một. Nhiều cha mẹ sẵn sàng làm và hi sinh tất cả mọi thứ vì lợi ích của các con. Theo cách này, đứa trẻ luôn được "nâng như nâng trứng", kết quả là trẻ sẽ không thể phát triển được tất cả những kĩ năng sống cần thiết, khi gặp khó khăn sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
Là cha mẹ, bạn hãy tạo cho con mình cơ hội để xử lý tình huống và phát huy tính tự lập. Nhiệm vụ của bạn là theo dõi tình hình và đưa ra những lời khuyên cho con nếu cần thiết. Hãy để con bạn rèn luyện bản lĩnh mạnh mẽ và sự tự tin.
2. Khen con quá mức
Con cái bao giờ cũng là niềm tự hào lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Việc xây dựng cho trẻ sự tự tin vào chính mình là một điều rất quan trọng, nhưng điều này không có nghĩa là bạn luôn khen ngợi quá lên mỗi khi bé đạt được một thành tích gì đó. Bởi điều quan trọng là sự khen ngợi phải trở thành nguồn động viên, khích lệ để trẻ cố gắng nhiều hơn nữa.
3. Treo giải thưởng vật chất
Đây cũng là điều thường thấy ở nhiều gia đình. Bạn cần hiểu rằng mục đích của việc treo giải thưởng là cổ vũ tinh thần và khuyến khích trẻ phấn đấu đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ quá lạm dụng điều này đã vô tình khiến trẻ trở nên xấu tính - tìm đủ mọi cách để đạt được thứ mình muốn, kể cả việc nhờ người khác làm thay mình. Thêm vào đó, điều này dễ hình thành suy nghĩ của trẻ là làm gì cũng được quà, vì thế phải có phần thưởng thì trẻ mới đồng ý thực hiện.
4. Cấm trẻ được làm việc theo cách của chúng
Rất nhiều bậc phụ huynh luôn vạch sẵn quy trình từ A đến Z cho trẻ trong mọi việc, mọi tình huống. Điều này không những khiến trẻ cảm thấy mất "tự do" mà còn ngăn chặn khả năng sáng tạo và phát huy tính tự thân vận động của trẻ. Trong nhiều hoàn cảnh, hãy để con bạn được lựa chọn và làm những gì trẻ nghĩ.
5. Không chỉ ra lỗi của con
Việc cha mẹ khiển trách, nhắc nhở trẻ là điều cần thiết. Tuy vậy, bạn cần chú ý không nên trách móc trẻ vì những hậu quả trẻ gây ra, mà cần phải giúp trẻ nhận ra lỗi bằng cách ân cần, tận tình giải thích cho trẻ hiểu rõ vì sao trẻ không được làm như vậy. Giúp con nhận ra sai lầm chính là cách tốt nhất giúp con không phạm sai lầm lặp lại nữa.