Đến độ tuổi này, khi trẻ đã bắt đầu biết đi thì việc trông giữ và chơi cùng bé là vô cùng khó khăn. “Hiếu động” chính là từ thích hợp nhất để mô tả những em bé trong độ tuổi này. Mẹ nhận thấy rằng con bắt đầu thích những món đồ chơi hay những trò chơi có thể vận động toàn thân như trò kéo đẩy, bắt bóng...
1. Trò chơi kéo và đẩy
Trò chơi kéo và đẩy rất hợp để mẹ có thể chơi cùng với bé trong thời điểm bé đang tập đi. Mẹ hãy sử dụng món đồ dễ dàng di chuyển như một cái ghế trẻ con, một thùng các tông có chứa đồ chơi.... Mẹ đặt những món đồ đó ở giữa hai mẹ con, để con giữ ở một đầu, sau đó đẩy đồ chơi qua cho bé và yêu cầu bé hãy đẩy lại về phía mình. Với trò chơi này, mẹ sẽ giúp bé hoàn thiện về khả năng phản xạ, đồng thời rèn cho bé tính cách chia sẻ và biết tin tưởng khi giao đồ chơi cho người khác.
Nếu con đã biết đi đứng thạo hơn một chút, đã biết ngoái nhìn ra sau trong khi chân vẫn bước tới trước thì mẹ có thể cho bé chơi cùng những thứ kéo đi được. Mẹ hãy lựa chọn những món đồ chơi trẻ em có những chi tiết ngộ nghĩnh, phát ra âm thanh vui nhộn giúp con thích thú.
2. Vỗ tay
Trò chơi vỗ tay là trò chơi hiệu quả nhất trong việc giúp bé có được những cảm nhận về tiết tấu (nhất là phần tiết tấu nhanh), cũng như giúp cho đôi bàn tay của bé trở nên linh hoạt hơn. Mẹ hãy ngồi đối diện với bé, mẹ tự hát hoặc bật một bài hát có nhịp điệu nhẹ nhàng, sau đó cùng con vỗ tay, nhảy theo nhịp.
Ngoài cách vỗ tay theo nhịp bài hát, mẹ có thể đưa cho bé một cái xúc xắc hay một cái trống nhỏ sau đó hai mẹ con cùng bắt chước nhịp điệu của nhau.Trò chơi này giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ và việc giao tiếp bằng mắt với người bên cạnh.
3. Chơi bắt bóng
Bóng là loại đồ chơi không thể thiếu đối với những đứa trẻ trong độ tuổi biết đi. Tất cả các loại bóng mà bé có thể cầm và ném được đều có thể là món đồ chơi thú vị - cho dù đó là quả bóng hơi (phao), nhựa hay vải. Tuy vậy, mẹ cần hết sức lưu ý đừng cho bé chơi những loại bóng mềm nhỏ có thể cho vào miệng.
Trò chơi bóng phổ biến và tốt nhất dành cho trẻ mới biết đi là trò “bắt banh”. Mẹ hãy để bé ngồi gần, sau đó cùng bé lăn quả bóng qua lại. Khi bắt đầu, mẹ cố gắng lăn từ từ, rồi sau đó bé sẽ chơi dần trò ném và bắt banh một cách nhuần nhuyễn. Trò chơi này giúp trẻ nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, linh hoạt khi kết hợp cả tay và mắt.
4. Trốn tìm
Trốn tìm là một trong những trò chơi thích hợp dành cho trẻ. Đây là trò chơi rất đơn giản nhưng có thể giúp giải tỏa cảm xúc lo lắng và sợ hãi của trẻ. Trò chơi này làm tăng độ cứng cáp cho đôi chân của bé, giúp bé đứng và di chuyển vững vàng hơn, đồng thời trò chơi cũng làm tăng khả năng phản xạ nhanh cho bé.
Mẹ và bé hãy thay phiên nhau là người trốn và tìm. Mẹ không nên trốn ở những nơi quá khuất khiến con khó tìm ra. Khi đến lân bé trốn, mẹ đừng vội vàng chỉ ra vị trí của bé, hãy nói ra một vài gợi ý chứng tỏ con đang trốn ở đó như “Um, kia có phải là cái chân hoặc cái tay của con?”. Cùng con chơi trò này, tình cảm mẹ và bé sẽ gần gũi hơn.
5. Xếp hình
Mẹ hãy chọn những khối hình “kềnh càng nhưng nhẹ nhàng”, có thể làm từ bìa các tông đủ lớn để bé sắp xếp thành tháp hay bức tường, hoặc theo bất cứ cách nào mà bé muốn. Lúc mới đầu, mẹ hãy xếp những mô hình nhỏ và đơn giản để cho bé bắt chước. Sau đó, mẹ có thể nâng lên mức độ khó hoặc có thể cho con tự xếp theo mong muốn.
Trò chơi này giúp trẻ rèn khả năng tư duy logic, thúc đẩy khả năng sáng tạo và phối hợp vận động tay – mắt. Tuy nhiên, khi cho bé chơi trò này, mẹ dễ dàng nhận thấy rằng lúc bé vui nhất chính là thời điểm tòa tháp bé vừa xây dựng bị đổ ụp xuống.
6. Cùng nhau đi chợ
Mẹ hãy sắm cho con một chiếc làn hoặc một cái túi nhỏ để bé có thể thu nhặt những món đồ chơi của mình vào trong đó. Lứa tuổi này bé sẽ rất thích nhặt mọi thứ vào trong làn, sau đó bỏ ra rồi nhặt vào, bé sẽ lặp lại vòng tuần hoàn như vậy mà không biết chán. Với hành động như vậy, bé sẽ được luyện tập nhiều hơn với tay, giúp tay bé cứng cáp và nhanh hơn.