Có nhiều phụ huynh, tối nào cũng gần như ngồi học cùng con. Cả ngày đi làm về mệt mỏi, tối thay vì nghỉ ngơi thư giãn lại ngồi giúp con giải toán, làm văn, dạy tiếng Anh, làm thủ công... con học xong thì cũng chuẩn bị đến giờ đi ngủ. Cha mẹ làm như vậy vừa gây thêm sự mệt mỏi, gò bó và tạo cho trẻ cảm giác bị ép buộc, không hiệu quả. Để giúp trẻ kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cũng như nâng cao kết quả học tập, các bậc phụ huynh cần có cách dạy con tự học đúng đắn, phù hợp.
Và bài viết sau đây sẽ mang đến cho các bậc cha mẹ những kinh nghiệm dạy con quý báu để giúp trẻ có ý thức trong việc tự học bài ở nhà.
Dùng lời động viên thay vì chỉ trích
Thấy trẻ tiến bộ thì cha mẹ nên động viên, khen ngợi. Khen ngợi để trẻ hiểu được sự tiến bộ đó là nhờ nỗ lực của bản thân mình.
Khi trẻ gặp khó khăn trong việc giải bài tập, cha mẹ nên khuyến khích trẻ thử lại. Thử lại và cuối cùng nếu không có kết quả, lúc này cha mẹ đưa ra ý tưởng cho trẻ để giải quyết vấn đề.
Nếu trẻ viết bài chậm thì thay vì chỉ trích hãy khen trẻ viết nghiêm túc, khen trẻ viết đẹp.
Nếu trẻ viết bài tập về nhà chậm, viết nguệch ngoạc và không nghiêm túc, thay vì chỉ trích cha mẹ nên khen ngợi góc học tập của trẻ thật gọn gàng.
Tóm lại, cha mẹ nên phát hiện ra một số điểm mạnh của con và khen ngợi con. Khi được khen, trong lòng con sẽ đòi hỏi ở mình nhiều hơn. Vì con cũng muốn cha mẹ khen nhiều hơn nên càng phải làm nhiều hơn, tốt hơn.
Rèn tính tự giác cho con
Cách dạy con tự học tốt nhất là rèn cho bé tính tự giác. Hiện nay có quá nhiều thứ cám dỗ, hấp dẫn khiến tâm trí các bé bị phân tán, khó tập trung. Do vậy, để con không bị phụ thuộc, cha mẹ nên nói chuyện để con hiểu và ý thức được việc học là nhiệm vụ của con. Và trong nhà, ai cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Không tạo ra các hình thức thưởng phạt liên quan đến bài tập về nhà
Cách này khiến trẻ có xu hướng học để được thưởng chứ không tự giác học cho bản thân. Ngoài ra làm như vậy có thể sẽ tạo ra stress cho trẻ, khiến chúng phải làm mọi cách để tránh bị phạt và được thưởng. Hoặc tệ hơn nữa, đến một lúc nào đó, trẻ cảm thấy phạt hay thưởng cũng chẳng quan trọng với chúng nữa, và sẽ chẳng còn muốn học.
Thảo luận về bài vở với con một cách bình đẳng và thoải mái
Vào mỗi đầu hoặc cuối học kỳ, như một người bạn, cha mẹ nên ngồi lại trò chuyện và bàn bạc với con về những vấn đề gặp phải khi học. Trao đổi trực tiếp cùng con trong giờ học ở nhà sẽ giúp bé phát triển tư duy, khả năng giao tiếp cũng như khả năng thuyết trình. Cha mẹ cũng sẽ dễ dàng nhận ra được đâu là điểm yếu để hỗ trợ con, hoặc đâu là điểm mạnh để khen ngợi và cổ vũ tinh thần con mình. Tránh so sánh con với những đứa trẻ khác, hoặc so sánh với thời điểm ngày xưa của cha mẹ, bé sẽ cảm thấy không được nhìn nhận đúng và mất đi tinh thần ham học hỏi.