SỨC KHỎE » Chăm con

Siêu mẫu Hà Anh kể về thành quả bước đầu của việc luyện ngủ cho con

Thứ sáu, 24/05/2019 22:43

Bài viết của Hà Anh được rất nhiều 'mẹ bỉm sữa' quan tâm và vào học hỏi để áp dụng cho bé nhà mình.

Cũng như bao bà mẹ khác, siêu mẫu Hà Anh luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Cô từng than thở phải thức đêm, vai và cánh tay mỏi rã rời để bế ru con ngủ. Đến khi con gái 10 tháng tuổi, Hà Anh quyết định luyện ngủ cho con.

Đó là một hành trình không hề đơn giản mà đầy nước mắt của bé Myla. Khi nghe con khóc, dù rất sót ruột, lo lắng nhưng cô vẫn cố gắng kiên trì để con có thể tự ngủ.

Khi con gái 10 tháng, siêu mẫu Hà Anh đã quyết định luyện ngủ cho con.

Hà Anh đã chia sẻ trọn vẹn "Nhật ký luyện ngủ của Myla" để các bà mẹ khác có thể tham khảo.

Nói thực, luyện ngủ cho Myla mà chính ra lại là luyện cho người lớn thì đúng hơn, từ ba mẹ đến bác Thư bảo mẫu của Myla.

Như đã hứa với mọi người từ post trước, giờ là sau gần 2 tuần hành trình luyện ngủ đầy nước mắt, tớ giờ mới hơi tự tin thêm một chút để chia sẻ với mọi người.

Nói ngắn gọn lại cho những người chưa đọc post trước về concept “Luyện ngủ cho trẻ con”:

Mục đích:

- Dạy cho bé (cho bé thời gian) tập cách tự ru mình vào giấc ngủ mà không cần đến sự trợ giúp của cha mẹ như bú để ngủ, đu đưa rung lắc để ngủ.

- Khi bé có kỹ năng tự ru mình ngủ rồi thì những giấc đêm trăn trọc bé thức giấc giữa đêm, bé sẽ có thể tự ru mình vào giấc ngủ trở lại mà ba mẹ không cần dậy “can thiệp” bằng cách cho bé bú (mẹ hoặc bình), đu đưa ru bé vào giấc ngủ trở lại.

Theo sách hướng dẫn thì thời gian luyện ngủ cho con khoảng 7 ngày sẽ thành công.

Kết quả:

- Đưa bé vào giường đặt bé xuống cho bé ngủ bé sẽ tự hiểu là đến giờ đi ngủ, nhắm mắt và tự ngủ.

- Giấc ngủ của bé và ba mẹ sẽ liền mạch hơn, không bị gián đoạn (uninterupted sleep) và cũng vì thế cả nhà sẽ khoẻ re hơn. (Thay vì cả nhà phải lục sục cả đêm khi thức dậy mờ sáng ai cũng mệt nhoài - kể cả bé)

Thời gian luyện ngủ:

- Theo sách nói là từ tháng thứ 5-7 ngày

Concept và cách thức:

- Buổi tối ba mẹ thực hiện các hoạt động yêu thích lặp lại với bé để báo hiệu sắp đến giờ đi ngủ như tắm nước ấm, massage, đọc sách (tuỳ bạn và sở thích của bé) rồi bạn sẽ đưa bé vào cũi trong phòng đã tắt hết đèn hoặc để đèn mờ, thả bé xuống cũi, vỗ về bé tầm 30 giây, nói hiệu lệnh lặp lại ở tất cả mọi lần “Myla ngủ” (hoặc bất cứ những gì bạn muốn). Ngắn gọn, không dài dòng, vỗ về lâu, không nói chuyện. Chỉ là hiệu lệnh ngắn gọn cho bé biết đến giờ đi ngủ rồi bước ra khỏi phòng.

- Sau đó bé sẽ đòi, khóc bù lu bù loa, hét khản tiếng khan giọng cho đến lúc bé hiểu rằng có kêu khóc cũng không được ích gì và sẽ tự chìm vào giấc ngủ. Thời gian khóc lóc tuỳ thuộc vào tính cách mỗi bé. Thời gian vào thăm con thì tuỳ gan của bố mẹ. Sách khuyên nếu con khóc thảm thiết quá, cứ 10 phút một lần bố hoặc mẹ có thể vào vỗ về bé (không bế bé lên), đặt bé nằm lại vào giường, không nói chuyện, chỉ nhắc lại hiệu lệnh (Myla ngủ) rồi lại đi ra. Cứ thế cho đến lúc bé ngủ.

- Routine tập ngủ này sẽ kéo dài nhiều ngày. Lý thuyết rằng sau 2,3 ngày, khi bé hiểu ra rằng khóc lóc không đạt mục đích gì, bé sẽ khóc ít dần đi và đến ngày thứ 7, bé sẽ không khóc nữa mà ngoan ngoãn đi ngủ.

Rồi, giờ là chuyện thực tế Myla tập ngủ:

Ngày 1:

Mẹ cho Myla vào giường sau khi đã tắm, thay quần áo, bú bình, ba đọc truyện cho nghe. Mẹ đưa Myla vào cũi, vỗ về bé một lúc rồi nói “Myla ngủ”, bước ra khỏi phòng.

Myla gào thét, đứng lên bám cũi khóc lóc mặt vô cùng thảm thiết. Ba mẹ nhìn qua camera mà sót ruột (ba ít sót ruột hơn do đã được huấn luyện quen với tư tưởng phương Tây). Ba cười hì hì, mẹ mắng ba “Chả có gì vui cả, con nó khổ sở thế mà anh còn cười được!”.

Ba gợi ý bật phim lên xem, mẹ bảo “tâm trí nào mà xem phim. Con thì đang khổ sở như thế mình xem phim phọt để giải trí là quá thiếu công bằng”. Ba im chả nói gì, mẹ bỏ ăn, cả hai ba mẹ ngồi nhìn camera Myla ở bên trong phòng gào thét khóc lóc, đấu tranh quyết liệt. Cả nhà chìm trong tiếng khóc của con.

Mẹ như bị dao cứa vào tim ngồi yên lặng mở sách Luyện ngủ ra đọc, đọc hết liền hai cuốn trong khi ba ngồi xem tin thể thao. Mẹ nghĩ trong lòng bực bội cái ông vô tư kia và cảm thấy như khó có thể tiếp tục. Sách động viên “hãy cố lên bạn sẽ làm được!”, mẹ bồn chồn cố chờ 10 phút ròng rã để vào dỗ dành con, đặt con xuống, bảo “Myla ngủ” rồi bước ra.

Nhưng Myla cá tính mạnh, càng nhìn thấy mẹ vào con càng khóc dữ dội hơn, hờn dỗi, tức tưởi. Nước mắt, mồ hôi quyện làm một ướt hết cả mặt mũi tóc tai.

70 phút khóc đứng khóc ngồi, rồi lại đứng, lại ngồi, cuối cùng Myla đổ ập xuống ngủ. Mẹ vào sửa dáng nằm cho con, hồi hộp chờ đợi diễn biến của đêm này.

Ngày đầu, con gái Hà Anh gào khóc thảm thiết lên đến 70 phút.

Điều sách không bảo với bạn:

Quá trình luyện ngủ không chỉ luyện một lần buổi tối, mà phải luyện cả lúc ngủ trưa, phải bỏ mặc bé cho bé khóc lóc nếu bé thức dậy giữa đêm. Nói tóm lại là 1 ngày chịu đựng 3 lần khóc. Mỗi lần ít thì nửa tiếng, có ngày Myla làm liền 2 tiếng, 3 tiếng khóc, đấu tranh quật cường.

Nhưng đêm đầu, Myla ngủ trơn tru, mẹ chỉ cho bú bình 1 lần lúc 10 rưỡi, Myla ngủ đến sáng 6 giờ- Một điều kỳ diệu.

Ngày 2:

Sáng Myla dậy khoẻ khoắn tươi vui. Mẹ thở phào vì lo lắng con khóc đêm trước khổ sở sáng ra sẽ sang chấn tâm lý, buồn bã, giận dữ. Thấy Myla nhí nhảnh đùa nghịch như không, mẹ thở phào.

Ngày thứ 2 này là ngày luyện ngủ trưa đầu, Myla khóc liền 2 tiếng rồi mới chịu vật ra ngủ. Mẹ và bác Thư khổ sở ngồi nhìn camera xem Myla khóc đứng khóc ngồi. Mỗi lần vào Myla khóc dữ dội hơn nên hai chị em cố gắng kiềm chế để không vào.

Tối hôm này Myla chỉ khóc 30 phút rồi ngủ, do có lẽ ban ngày đã quá mệt (mẹ chỉ cho ngủ 1 tiếng thay vì ngủ 2 giấc, 2,3 tiếng mọi khi). Mẹ muốn Myla sẽ ngủ đêm giấc dài và xuyên suốt hơn.

Nhưng đêm này Myla dậy lục sục khóc giữa đêm vì không quay lại giấc ngủ được. Ba nhăn nhó vì sáng phải đi làm. Ba mẹ nằm nghe Myla khóc lóc đứng ngồi, rồi cuối cùng mệt ngủ thiếp đi.

Ngày 3:

Bác Thư khoe là buổi trưa đặt Myla vào cũi, bác đứng kế bên nhìn, Myla tự chìm vào giấc ngủ rất ngoan, không khóc.

Mẹ cũng mừng, tối cho Myla vào nằm, đứng cạnh vỗ về 2 phút là Myla ngủ. Nhưng mẹ và bác Thư đã sai lầm to!

Myla giờ cần có người đứng cạnh để yên tâm thì mới ngủ. Đêm Myla thức giấc phải có mẹ đứng đó đặt tay lên người, hoặc nhìn Myla thì Myla mới ngủ lại. Lỗi tại mẹ sợ Myla khóc lâu ba không ngủ được sớm đi làm mệt nên đứng chong chong nhìn con. Mẹ cứ lên giường nằm xuống Myla lại khóc.

Ngày thứ 4:

Ngày sốc lại tinh thần và ý chí của cả mẹ và bác Thư. Mẹ gọi điện thoại cho mấy cô bạn mẹ đã có 2,3 đứa con và từng luyện ngủ cho con thành công. Mẹ mở loa to cho bác Thư nghe để bác Thư thêm quyết tâm vì khi mẹ đi vắng bác không chịu nổi thương Myla lại vào đứng cạnh. Thế là đêm mẹ lãnh đủ. Thêm 1 vấn đề nữa là sau 3 ngày khóc, Myla đã khản tiếng, giọng lào khào, mấy lần khóc ị đùn. Mẹ lo ảnh hưởng tâm lý sợ quá ị ra quần. Ba cứng rắn là vậy đã thấy lo vì Myla giọng khản đi.

Cả nhà đặt câu hỏi “Chúng ta đã làm gì sai?”

Bạn mẹ lặp lại “Phải quyết tâm để con tự ngủ. Không được đứng cạnh, không được mềm lòng! Con các cô có đứa còn nôn oẹ để gây sự chú ý. Lời khuyên là nếu ị ra quần hay nôn oẹ thì nhanh chóng lau sạch, rồi lại đặt lên giường.” “Trẻ con rất khôn, nếu chúng nó thấy sự khóc lóc đòi của chúng có hiệu quả, chúng sẽ tiếp tục như vậy. Cho nên thông điệp của chúng ta phải rõ ràng, dứt khoát chứ không lúc thế này lúc thế nọ”.

Và đặc biệt, cả nhà phải đồng lòng, vì người thì cứng rắn nhưng đi vắng người kia lại bồng bế lên, hay đứng cạnh vỗ cho ngủ là hỏng bét. Cả quá trình luyện phải từ đầu rất khổ cho cả bé và cả nhà.

Ngày thứ 5:

Sau khi được sốc lại tinh thần, người lớn cả nhà vẫn khá còn nhụt chí. Bác Thư bảo “thế là đòi hỏi quá với sức của nó và trách mẹ ác!” Mẹ phê bình bác không được nói thế và động viên bác phải cứng rắn lên. Khoa học người ta đã nghiên cứu kỹ, cả chục triệu đứa trẻ trên thế giới được luyện bằng phương pháp này.

Bên cạnh đó mẹ cũng trao đổi thêm với ba. Mẹ bảo rằng: “Chúng ta phải nghiên cứu cách để tốt nhất cho con mình! Mọi người đều nói rằng phải luyện từ lúc bé sẽ dễ hơn. Anh sinh ra ở văn hoá Tây Âu nơi việc luyện cho con tự lập là điều rất bình thường. Nhưng ở văn hoá em là bố mẹ bao bọc, ngủ kế bố mẹ đến lúc lớn. Đến tuổi teen may ra mới ngủ phòng riêng, mà hai chị em có 2 phòng cũng vào ngủ chung giường cho tình cảm.

Mỗi nền văn hoá đều có điểm hay và chưa hay. Văn hoá Tây Âu luyện cho con người tự lập, nhưng có phần xa cách với gia đình. Văn hoá Phương Đông gần gũi nhưng có chiều hướng ỉ lại gia đình.

Văn hoá Tây Âu coi trọng privacy (sự riêng tư) trong khi Châu Á không ngại con cái quây quần ngày đêm trong mọi hoạt động.

Tây Âu bắt nguồn các phương pháp luyện ngủ, ăn tự lập vì họ không có thời gian, sự trợ giúp, cần khoảng trống riêng tư. Và sau đó họ nghiên cứu dùng khoa học back up. Châu Á bón cho con ăn, ru con ngủ đến khi con đủ lớn để tự có kỹ năng ngủ… vân vân. Chốt lại, anh sinh ra và trưởng thành ở văn hoá Phương Tây đã thành người tốt Em sinh ra và trưởng thành ở văn hoá Châu Á cũng đã thành người tốt.

Tóm lại không cách thức nào là “chuẩn”, quan trọng, chúng ta ở vị thế có thể lựa chọn những gì phù hợp và tốt nhất cho con từ 2 nền văn hoá”

Ba vừa nghe mẹ nói vừa gật gù. Ba bảo: “Thì anh có ép em luyện ngủ cho con đâu!” Mẹ nói: “Em nghĩ đến thời điểm này luyện là đúng đắn. Dù nhiều người và sách cũng bảo đến thời điểm lớn hơn sẽ luyện khó hơn bởi con đã nhận thức nhiều, lại cá tính, và biết đứng rồi. Nhưng em vẫn nghĩ khi con vài tháng tuổi, em vẫn muốn và cảm thấy con cần phải được ôm ấp, vỗ về bởi mẹ. Đặc biệt thời điểm con còn bú mẹ, em không muốn bắt con nằm ngủ cũi tách biệt một mình!”

Nói tóm lại ba mẹ ngồi trao đổi lại, phân tích rồi đồng tình… cũng cốt để rà lại lý do mình luyện con ngủ xem có đúng đắn hay chưa. Và cùng nhau sốc lại tinh thần…. luyện tiếp.

Ngày thứ 6,7,8

Myla đã khóc ít hơn nhiều mỗi lần đầu tranh ngủ, nhưng thi thoảng bác Thư vẫn mềm lòng đứng cạnh Myla, thỉnh thoảng, mẹ cũng mềm lòng ban đêm sợ con khóc ba thức giấc nên đứng cạnh vỗ Myla ngủ lại khi thức dậy giữa đêm hay mờ sáng.

Nhưng điều tuyệt vời trong quá trình này là Myla đã đa số tự trằn trọc và ngủ lại mà không cần mẹ can thiệp, đã bỏ được 1 cữ bú bình lúc 2 giờ sáng. Ban ngày Myla khóc ít hơn. Ban đêm cho vào cũi hầu như ngủ luôn không khóc lóc. Mẹ rất mừng nhưng vẫn quyết “Phải cứng rắn hơn nữa”. Buổi trưa ngủ dứt khoát bác Thư không được đứng cạnh, và đêm dậy, mẹ dứt khoát không ra đứng cạnh vỗ về.

Ngày thứ 9: Myla khóc 10 phút trưa rồi đổ ập xuống ngủ. Buổi tối ngủ thẳng, tự trằn trọc, tự quay trở lại ngủ. Mỗi tội 5 giờ 15 phút sáng nay ba thấy Myla dậy đứng ê ê, ba nhanh nhảu bế ra đặt trên giường nằm cạnh mẹ. Mẹ phê bình ba sai phương pháp phải giữ vững kỷ luật.

Nhưng nhìn chung hành trình luyện ngủ đầy nước mắt của Myla theo mẹ chủ quan đánh giá, là đã thành công 80%. Còn 20% nữa cố gắng nốt.

Đến ngày thứ 9, hành trình luyện ngủ cho con gian nan của Hà Anh đã thành công 80%

Đến giờ nghe Myla khóc cả nhà không còn sốt sắng xót xa như trước. Myla cũng hiểu rằng khóc lóc không được gì nên ít khóc hơn, giọng khóc cũng tỉnh queo hơn. Myla có vẻ không đứng rồi đổ ập xuống ngủ nữa mà biết ngồi rồi chúc đầu chổng mông lên ngủ. Buổi tối ngủ đầy giấc hơn, không thức dậy thường xuyên nữa! Có lăn qua lăn lại rồi tự ngủ tiếp.

Giấc ngủ của ba mẹ Myla đã được cải thiện một chút dù tối đi ngủ vẫn hết sức hồi hộp. Mẹ đoán rằng chí ít cũng mất thêm 2 tuần nữa để Myla ổn định với routine và thói quen mới này. Cả nhà Myla nữa!

Đấy, ký sự Myla đó. Các mẹ lấy can đảm luyện đi!

P.S: Nếu có đứa thứ 2 mẹ sẽ cho luyện từ 5,6 tháng! Mẹ nghĩ 2,3,4 tháng thì sớm quá hơi tội, 10 tháng như Myla thì hơi muộn, cũng tội!".

Rất nhiều người tag người thân hoặc muốn chia sẻ bí quyết luyện ngủ của Hà Anh.

An Nhiên (Theo Nld.com.vn)