Hà Anh không chỉ được nhiều người quan tâm vì body đẹp nóng bỏng mà rất đông các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu cách nuôi con của nữ siêu mẫu này. Để con luôn vui vẻ, hoạt bát và sống đúng với lứa tuổi của mình, siêu mẫu Hà Anh cho rằng bố mẹ nên có 7 thái độ cần thiết khi nuôi con.
Hà Anh chia sẻ: "Nhiều người khen mình "khéo nuôi con" vì thấy bé Myla tính tình vui vẻ, hoà đồng, tự tin, nết ăn nết ngủ đều ngoan, thích nghi tốt. Mình thú thực mình cũng chỉ làm mẹ lần đầu, không phải "chuyên gia" gì, nhưng có điều mình nhận thấy thế này, con của mình là phản chiếu chính xác mình như thế nào, đối xử với con và cách mình nhìn nhận cuộc sống, sự việc ra sao.
1. Phải bình tĩnh
Nhiều mẹ nuôi con tâm lý rất dễ cuống. Con trớ một tí, ho nhẹ một tí, nhè không chịu ăn một tí.... là cuống hết cả lên. Mẹ đi hỏi toán loạn mọi nơi, gia đình, hàng xóm, trên mạng... rồi dùng con làm thí nghiệm cho mọi phương pháp được mách. Áp dụng không thành mẹ sốt ruột, rầy con, than thân, trách ba, trách vú em...
Hãy bình tĩnh các mẹ nhé! Con mình không phải đứa trẻ duy nhất này trên đời có vấn đề. Phần lớn những "vấn đề" nhỏ, tự sinh ra sẽ tự mất đi.
Hãy tìm hiểu thực sự về lý do khoa học đằng sau nó, chứ đừng cuống lên nghe mách này mách kia rồi kiêm luôn vai thầy thuốc chữa bà lằng xằng cho con. Không khỏi rồi mệt mỏi tâm lý.
Siêu mẫu Hà Anh cho rằng nuôi con cần biết kiên nhẫn, bình tĩnh...
2. Kiên nhẫn
Đứa trẻ như một tờ giấy trắng, bạn tập cho chúng tự viết gì trên trang giấy trắng tinh của cuộc đời chúng?
Bạn luôn cần đặt bản thân vào địa vị đứa trẻ. Bạn mắng mỏ chúng vì quấy - nhưng có biết rằng nếu bạn là chúng, bạn sẽ chán đến thế nào nếu phải ngồi nghe người lớn ăn uống nói chuyện vài tiếng, hay ngồi không trên máy bay...
Bạn mắng chúng không chịu ăn những món ăn ngon bạn cất công nấu, nhưng bạn có nghĩ rằng những món đó bé sẽ phải cất công làm quen dần, là tự nhiên có vị lạ nếu là bạn bị ăn thử mắm tôm, cheese thối... lần đầu tiên, bạn cũng nhè ra vì chưa quen. Tại sao bắt chúng phải thích ăn, thấy ngon ngay...
Hãy kiên nhẫn với thiên thần của mình, trò chuyện với bé, giải thích cho bé, làm mẫu thử cho bé, ăn uống cùng bé, bày trò cho bé chơi... Luôn đặt mình vào đôi giày và cảm xúc của bé để đồng cảm với bé và tìm ra giải pháp giúp con hoà nhập với nhịp điệu sống của gia đình.
3. Trò chuyện với bé
Giải thích cho bé hiểu mọi thứ từ khi bé mới sinh ra. Nhiều mẹ cảm thấy mình "thật ngốc" khi cứ lải nhải mà con mình chưa chắc đã hiểu và cũng chả đáp lại được. Tôi cũng thế, nhưng tôi dần cảm thấy quen. Tôi hay có thói quen nói chuyện "thuyết minh" những việc mình làm với Myla từ bé tí "Nào mẹ đi tất cho Myla để Myla đi ngủ đỡ lạnh nhé! Mẹ chải tóc xinh cho Myla này!", "ôi con của mẹ ngoan quá! Con nói giỏi quá! Hoan hô!!!!"
Tôi thường thủ thỉ với con như vậy, và luôn luôn tán thưởng những hành vi, hành động mà tôi cho rằng ngoan, giỏi, tích cực của con. Bé thường rất thích khi được mẹ khích lệ và sẽ lặp lại những hành vi được tán thưởng nhiều hơn.
4. Luôn cho con trải nghiệm những thứ mới
Cho con chạm thử vào những thứ mới: cái lá, bông hoa, vuốt thử con chó của bạn mình, dẫm châm vào vũng nước, nếm thử món lạ, thử chơi với cảm giác mạnh, tiếp xúc với những người mới với hình dáng, màu da, quốc tịch khác nhau...
Tóm lại đừng giới hạn con mình với những thứ mà bản thân mình thấy phiền, thấy không thích, lo sợ. Hãy suy nghĩ rằng con mình sẽ trưởng thành thành một công dân toàn cầu, sẽ cần phải thích nghi với nhiều tình huống, văn hoá, con người. Con cần có tinh thần cởi mở, dám thử, dám dấn thân.
Bản thân chúng ta có nhiều nỗi sợ, những giới hạn của bản thân không có nghĩa là con mình sẽ giống y như mình vậy.
5. Hãy tin vào khoa học và bác sỹ có chuyên môn
Mình thấy các mẹ chưa tận dụng được những phương tiện, thông tin tối ưu. Thường hay áp dụng các phương pháp mà chưa hiểu rõ nguồn gốc nó đến từ đâu, bản chất vì sao, được áp dụng trong môi trường nào, và môi trường đó có thực sự áp dụng phương pháp này không hay đơn giản là một trong những trào lưu được các mẹ du nhập, lưu hành về Việt Nam.
Khi có bất kỳ câu hỏi nào tôi luôn google để đọc thông tin từ những trang y tế chính thống của quốc tế (Lưu ý những trang chính thống chứ không phải forum thảo luận của các mẹ) và sau đó luôn tận dụng các lần thăm khám tiêm vaccine của con để tham khảo thêm với bác sỹ nhi chuyên môn của Việt Nam.
Ví dụ: Bé có khả năng bị sốt sau khi tiêm vaccine. Tôi sẽ hỏi " khả năng sốt đó trong vòng bao lâu, có phát ban không? Hiện tượng phát ban trông nó thế nào? Nếu có tôi sẽ phải làm gì hay không phải làm gì? Hiện tượng thế nào thì tôi phải nhờ can thiệp của bác sỹ hiện tượng nào là bình thường không phải lo..."
Tóm lại luôn đặt ra các câu hỏi cụ thể để mình nắm rõ các tình huống gần, xa, để hiểu rõ vấn đề tránh lo lắng và có những xử lý hợp lý, kịp thời.
6. Thiết lập kỷ luật
Chúng ta cần phải thiết lập rõ ràng thời gian chơi, ăn, ngủ... cho con. Trẻ con cần và muốn có kỷ luật. Ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ giúp chúng có tinh thần khoẻ mạnh, vui tươi. Đừng ép chúng ăn khi chúng chưa đói, đừng để chúng quấy nhiễu khi quá mệt vì qua giấc ngủ... Nuôi con không cần phải là cuộc chiến mỗi ngày một khác khi bạn thiết lập một kỷ luật chung.
Với những ngày gia đình đi du lịch, đôi khi chúng ta có thể linh hoạt với kỷ luật của con, nhưng hãy cố lên kế hoạch gần với kỷ luật của con nhất có thể để dễ dàng cho con và mình. Ví dụ tôi thích khởi hành bay, hay đi ô tô lúc 11.30 trưa vì tôi biết 12 giờ bé sẽ ngủ trưa tầm 2 tiếng. Nếu bé ngủ trên máy bay hay ô tô 2 tiếng có nghĩa là đỡ đi 2 tiếng bé phải ngồi chán chường chả có gì chơi hay tôi phải nghĩ ra các trò giải trí cho con trong suốt cuộc di chuyển này...
7. Làm mẹ, cầm trịch
Đúng vậy, nương theo cảm xúc của con không có nghĩa là phải chiều theo mọi ý muốn, sở thích của chúng. Bé sẽ ăn những món mình cho bé ăn, chơi những thứ mình cho phép bé chơi. Phải biết mềm mỏng khi cần mềm mỏng và cứng rắn khi cần cho con biết chúng là đứa trẻ và phải nghe lời bố mẹ chúng. Yêu con không có nghĩa là phải chiều theo mọi thứ con muốn.
Con không chia sẻ đồ chơi với bạn, sau khi giải thích cho con, kiên quyết lấy đưa đồ chơi cho bạn chơi và chỉ bé chơi món đồ chơi khác. Dứt khoát ra đi khi đã chào tạm biệt, không nấn ná nếu bé khóc đòi, tắt TV khi thời gian xem TV đã hết, nếu bé khóc đòi thì giải thích cho bé, bày trò chơi khác nhưng nhất quyết phải tắt TV.
Đối với trẻ con thông điệp phải rõ ràng, dứt khoát và nhất quán để bé hiểu. Đừng lúc thì đồng ý, lúc thì mắng mỏ, bố tắt, mẹ bật. Bé sẽ không hiểu, sẽ cư xử khác nhau, bố mẹ mắng hư, tội nghiệp.
Vâng, nghe đơn giản phải không các bố các mẹ, nhưng hãy nhớ, phải kiên định với hành động và cách nhìn, xử lý của mình. Nuôi con thực sự là niềm vui, không phải là cuộc chiến các bố các mẹ ạ".