Đối với hầu hết phụ nữ, mang thai và sinh nở là những việc mà ai cũng phải trải qua. Những vất vả khi mang thai, đau đớn khi sinh con đều do các mẹ gánh chịu.
Người ta thường so sánh việc sinh con của phụ nữ như “bước qua cửa tử” quả không ngoa, bởi trong quá trình sinh nở chị em sẽ gặp phải rất nhiều tình huống bất ngờ đầy rẫy nguy hiểm. Một trong số rất nhiều tình huống nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ sinh con như: Vỡ ối sớm, Băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, ngôi thai ngang, Biến chứng tiền sản, nhiễm trùng huyết…
Mặc dù quá trình sinh nở đã rất nguy hiểm vì có thể khiến người mẹ và thai nhi rơi vào tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc” nhưng có một thời điểm còn nguy hiểm hơn cả lúc sinh con, đó là trong vòng 2 giờ sau khi sinh.
Tại sao 2 giờ sau sinh nguy hiểm hơn cả lúc sinh con?
Một cuộc khảo sát các dữ liệu liên quan cho thấy 5 ca tai biến có tỷ lệ tử vong cao nhất cho người mẹ, 2 trong số đó xảy ra ở giai đoạn thứ tư của quá trình chuyển dạ và 3 ca còn lại xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
Nhiều người nghĩ rằng quá trình sinh nở, chỉ cần đứa trẻ chào đời an toàn là “mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, nhưng thực tế, những bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm lại cho rằng: Đối với các bà mẹ, lúc nguy hiểm nhất không phải là lúc sinh con mà là trong vòng 2 giờ đầu sau khi sinh.
Trong vòng 2 giờ đầu sau khi sinh, các mẹ có thể gặp phải những tình huống nguy hiểm như: băng huyết sau sinh, thuyên tắc nước ối, sốt sau sinh…
- Băng huyết sau sinh là tình trạng máu chảy trên 500ml đối với sinh đường âm đạo hoặc trên 1000ml đối với mổ lấy thai. Mất máu trong băng huyết sau sanh có thể xảy ra ồ ạt, đột ngột hoặc một cách từ từ, kín đáo. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sản phụ sẽ bị mất máu nhiều và có thể dẫn tới tử vong.
- Theo y khoa, bệnh thuyên tắc ối (hội chứng giống shock phản vệ ở người mang thai) là tình trạng nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung, gây ra phản ứng giống dị ứng, làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).
- Sốt sau sinh: Nếu mẹ bị sốt từ 38 độ trở lên, kèm hiện tượng mệt mỏi dài ngày thì cần được đưa đi khám ngay. Sốt sau sinh khá nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào nguyên nhân gây sốt như Sốt do nhiễm khuẩn hậu sản, Sốt do nhiễm khuẩn vết mổ, Sốt do các bệnh về vú, Sốt do viêm nội mạc tử cung…
Các biến chứng hậu sản này khởi phát nhanh chóng và thường khiến các bác sĩ mất cảnh giác, trong số đó, tỷ lệ tử vong do “thuyên tắc nước ối” có thể lên tới 90%. Có thể thấy trong vòng 2 giờ sau khi sinh là "cửa tử" thực sự cho các bà mẹ.
Mẹ sau sinh cần lưu ý những gì?
1. Cho con ti càng sớm càng tốt
Sau khi sinh con, sản phụ phải cho con bú càng sớm càng tốt. Việc cho con ti ngay có thể giúp cơ thể mẹ bài tiết sữa nhanh hơn, tránh được hiện tượng cương tức vú, áp xe vú, khả năng tiết sữa kéo dài hơn và thời gian cho con bú lâu hơn. Đồng thời, còn kích thích ngực thúc đẩy tử cung co bóp, có thể giảm thiểu rất nhiều xác suất “băng huyết sau sinh”.
2. Đi tiểu càng sớm càng tốt
Mẹ sau sinh cũng nên đi tiểu càng sớm càng tốt. Sau khi có nước tiểu cũng phải thải ra ngoài kịp thời, tránh trường hợp nhịn tiểu lâu khiến bàng quang căng to, gây áp lực lên tử cung, làm tử cung yếu và ảnh hưởng đến sự bài tiết dịch bẩn trong cơ thể.
3. Sản phụ cần được chăm sóc chu đáo
Khi đứa trẻ chào đời, mọi người thường hướng sự tập trung lớn về phía bé mà lơ là đối với người mẹ. Thực tế, ít nhất trong vòng 24 giờ sau khi sinh, người nhà cần phải ở bên cạnh sản phụ, kịp thời quan sát tình trạng của họ và thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có bất thường để được xử trí kịp thời.
Tóm lại:
Người mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày đã rất vất vả lại còn phải trải qua nỗi đau xé da thịt để con yêu chào đời, thế nên mới nói rằng việc sinh em bé thực sự không hề dễ dàng.
Mặc dù, hầu hết các bà mẹ đều thuận lợi sau sinh nhưng vẫn không loại trừ khả năng tai biến sản khoa có thể xảy ra với mình. Là những bà mẹ tương lai, chúng ta cũng cần trang bị những kiến thức cho bản thân khi sinh nở, đồng thời có những lưu ý nhất định trong cuộc sống hàng ngày để đảm bảo an toàn nhất cho bản thân và thai nhi.