Vào mùa đông, nhiều mẹ ngại không muốn cho con ra ngoài vì lo lắng con sẽ bị cảm lạnh. Chính vì các mẹ thường có thói quen bao bọc, ủ ấm trẻ sơ sinh quá kỹ như vậy, khiến cho bé ít có cơ hội được tiếp xúc với không khí trong lành bên ngoài. Do đó, tỷ lệ trẻ còi xương của bé nước ta vẫn khá cao.
Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé vì nó giúp tăng cường sức đề kháng để chống lại các bệnh truyền nhiễm có hại. Một trong các cách giúp bé hấp thụ vitamin D đó là tắm nắng. Tuy nhiên, tắm nắng cho trẻ vào mùa đông thế nào để bé hấp thụ một cách tốt nhất, an toàn nhất vẫn là một câu hỏi khó khăn đặt ra với rất nhiều bà mẹ trẻ.
1. Thời điểm và thời gian tắm
Chỉ 10 ngày sau khi sinh, mẹ có thể cho bé tắm nắng. Tắm nắng sẽ giúp cơ thể trẻ tự sản xuất vitamin D (vitamin D được tổng hợp khi tia cực tím của mặt trời chiếu vào da). 80% vitamin D được tổng hợp theo cách này, 20% còn lại có từ sữa mẹ và thực phẩm khác.
Vào mùa đông, nắng lên chậm hơn mùa hè công với việc sáng sớm thường rất lạnh khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp, do đó mẹ nên cho bé tắm nắng vào khoảng từ 9h-10h sáng và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều theo khung từ 15h-17h. Khoảng thời giam từ giữa trưa đến 4h chiều tuyệt đối không nên cho bé ra nắng, bởi lúc này tia cự tím trong ánh nắng mặt trời trở nên mạnh mẽ nhất, rất dễ gây tổn thương cho da.
2. Vị trí cho con ngồi tắm nắng
- Mẹ nên chú ý chọn vị trí cho con ngồi tắm nắng. Tuyệt đối không để ánh nắng chiếu thẳng vào đầu, mặt và mắt để tránh tia cực tím có thể gây hại cho mắt và não trẻ
- Tuyệt đối không được tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. Trời mùa đông rất lạnh, nếu mẹ chọn những nơi gió lùa sẽ khiến con dễ bị cảm lạnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
- Trẻ cần được tắm ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, nhiều ánh sáng mặt trời, tránh những nơi bụi bẩn, ô nhiễm
- Nếu những ngày gió to không ra ngoài được, các bạn có thể cho bé tắm nắng bên cửa sổ nhưng cần mở cửa kính để tránh cản tia tử ngoại.
3. Trong khi tắm nắng
Vào mùa đông, khí hậu lạnh khiến bé dễ bị cảm lạnh, do đó, mẹ cần phải giữ ấm tay chân và cổ cho trẻ. Các bộ phận có thể được tắm nắng là cánh tay, bụng và lưng.
Khi tắm nắng cho bé trong mùa đông, kể cả những ngày nắng ấm, không nên cởi bỏ hết quần áo của bé ra. Nếu chúng ta đột ngột cởi bỏ hết quần áo của trẻ cùng một lúc rất nguy hiểm, trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vì thế khi tắm nắng cho con các mẹ cần chú ý cởi quần áo của bé từng phần một, ví dụ, tắm nắng ở lưng thì nên vén áo của bé. Làm tương tự khi các mẹ phơi chân, tay hay bụng cho bé..
Thời gian tắm nắng cho trẻ có thể kéo dài từ 15-30 phút nhưng không nên kéo dài hơn, mỗi đợt tắm nắng khoảng 15 ngày sau đó cho trẻ nghỉ 10 ngày và lại tiếp tục chu kỳ mới.
Nếu mẹ thấy da bé chuyển sang màu đỏ, ra nhiều mồ hôi, mạch đập nhanh thì nhanh chóng đưa bé vào trong nhà cho uống chút nước lọc, để hạn chế mức thấp nhất khả năng bé bị cảm nắng hoặc phản ứng với ánh nắng.
4. Sau khi tắm nắng
Sau khi tắm nắng cho trẻ, mẹ phải kịp thời lau khô mồ hôi và cho bé uống một chút nước bổ sung. Nên mặc thêm quần áo cho bé luôn bởi trong lúc phơi nắng, các lỗ chân lông nở to ra nên khi bạn đưa bé vào nhà hoặc nơi râm mát, các khí lạnh sẽ dễ dàng thâm nhập qua lỗ chân lông khiến cơ thể bé ngấm lạnh nhanh, dễ dẫn đến cảm lạnh.
Mùa đông đang ở rất gần, hi vọng các mẹ sẽ nắm rõ được những lưu ý trên để giúp con tắm nắng một cách an toàn và hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà (Nguyên Trưởng Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: "Các phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng từ khoảng 1 tuần - 10 ngày sau sinh, tùy tình trạng sức khỏe của trẻ. Bởi vì, tuần đầu tiên sau sinh là thời gian để trẻ thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Việc tắm nắng đòi hỏi da của bé cần được tiếp xúc với ánh nắng, trong khi da của trẻ sơ sinh còn non nớt nếu tiếp xúc với ánh nắng có thể gây dị ứng hay bỏng”. Theo bác sĩ Hà, việc tắm nắng đòi hỏi da của bé phải tiếp xúc được với ánh nắng còn nếu chỉ cho da tiếp xúc với nắng qua cửa kính thì tác dung rất kém. Có thể bế trẻ lại gần cửa sổ để đón lấy ánh nắng. Khi tắm nắng cho trẻ cần tăng dần thời gian tiếp xúc với ánh nắng, ban đầu là vài phút, sau đó dần dần kéo dài 10 phút. Sau tháng đầu tiên có thể kéo dài từ 15-20 phút tùy sức khỏe của trẻ. Bác sĩ Hà lưu ý, “Khi cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng cần tránh chỗ gió lùa, không được mặc phong phanh. Ngoài ra, lưu ý không để mắt của trẻ nhìn vào ánh nắng. Có thể vén áo một chút để chân và tay được tiếp xúc với ánh nắng, không được để trẻ mặc quá mỏng manh”. |